Nấm da bùng phát do nồm ẩm, cách điều trị và phòng ngừa
Nồm ẩm thường xuất hiện sau Tết Nguyên đán và trước tiết lập xuân. Đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh nấm da phát triển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của nhiều người.
1. Vì sao dễ mắc nấm da khi trời nồm ẩm?
Nấm da là một trong những thể nhiễm nấm tại lớp thượng bì da. Bệnh thường gặp ở những người có nhiều mồ hôi, vệ sinh thân thể không đúng cách, mặc chung quần áo của nhau. Nấm da thường gặp ở người trẻ tuổi, hoạt động nhiều.
Nguyên nhân gây bệnh nấm da là vi nấm Dermatophytes. Bệnh thường phát triển ở những vùng da ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi như: Bẹn, kẽ ngón chân, tay, nếp dưới vú, nách, da đầu…
Khi hậu nóng ẩm ở nước ta, đặc biệt là khi nồm ẩm... rất thích hợp cho các bệnh nấm da phát triển. Nguyên nhân là do da tiết nhiều dầu hơn, mồ hôi lại không thoát ra được. Bên cạnh đó, nồm ẩm cũng khiến chất bẩn dễ dàng tích tụ trên da, quần áo không được khô ráo… cũng là một trong những nguyên nhân khiến dễ bị mắc bệnh nấm da.
Thường gặp nhất: Nấm hắc lào, nấm lang ben, nấm kẽ.
Nấm là một loại sinh vật không có chất diệp lục nên không tổng hợp được chất hữu cơ mà phải sống bằng cách ký sinh vào vật chủ: thực vật, động vật (chó, mèo, trâu bò…) và người.
2. Các triệu chứng thường gặp
Ngứa là triệu chứng đầu tiên khi bị nấm da. Triệu chứng ngứa tăng dần lên khiến người bệnh khó chịu và luôn tay gãi. Bệnh nhân gãi nhiều làm lây lan mầm bệnh sang nhiều vị trí khác trên cơ thể. Bệnh có thể làm nhiễm trùng da gây mưng mủ hoặc lở loét.
Hậu quả của bệnh nấm da là gây nhiễm trùng da, viêm da, chàm hóa… Nếu không được chữa trị kịp thời, đúng phương pháp khó có thể loại bỏ nhanh chóng bệnh nấm da.
Điều kiện thời tiết nồm ẩm càng làm cho các bệnh nấm da phát triển.
3. Bệnh nấm da có lây không?
Bệnh nấm da rất dễ lây cho các vị trí khác trên cơ thể của bản thân và cho cả người khác. Phương thức lây truyền chủ yếu là lây trực tiếp:
- Tiếp xúc với bào tử nấm có trong thiên nhiên và khi chúng bám vào da, quần áo, khăn mặt một cách tình cờ.
- Tiếp xúc với một số động vật nuôi trong nhà mà các động vật đó bị nấm da.
- Bệnh nấm lây từ người này qua người khác do nằm chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn mặt, khăn tắm…
Ngứa là triệu chứng đầu tiên khi bị nấm da.
4. Điều trị thế nào?
4.1. Điều trị không dùng thuốc
Chủ yếu là thay đổi lối sống:
- Giặt bộ trải giường và quần áo hàng ngày trong thời gian bị nhiễm nấm để giúp khử trùng môi trường xung quanh
- Giữ khô vùng bệnh sau khi tắm;
- Mặc quần áo rộng rãi;
- Điều trị tất cả các khu vực bị nhiễm bệnh (không điều trị nấm da chân có thể dẫn đến tái phát nấm bẹn).
- Áp dụng các biện pháp khử mầm bệnh trong áo quần và đồ dùng cá nhân (áo quần, giày vớ, khăn lau mặt và khăn tắm, chậu giặt…) bằng biện pháp nhiệt (là, sấy), bằng bột giặt hay dung dịch kháng nấm.
- Không dùng chung chậu giặt, áo quần, khăn lau…
- Điều trị nguồn lây từ người bệnh và cả súc vật (thỏ, mèo…)
- Chống ẩm ướt, mặc đồ thoáng, không mang giày bít kín, giữ khô da các vùng nếp kẽ.
Cần vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ, tránh ẩm mốc...
4.2. Dùng thuốc kháng nấm tại chỗ
- Nhóm azoles: Bao gồm các thuốc như clotrimazole, miconazole, ketoconazole, econazole, oxiconazole, sulconazole, sertaconazole. Nhóm azole là các thuốc kháng nấm được sử dụng phổ biến nhất. Cơ chế tác dụng của thuốc là làm rối loạn chức năng màng tế bào nấm và ức chế nấm phát triển.
Tuy có cùng phổ và cơ chế tác động, nhưng các triazol chuyển hóa chậm hơn, ít tác động trên sterol của người hơn imidazol. Do ưu điểm đó nên các loại thuốc mới ra đời về sau đều là thuộc nhóm triazol (itraconazol, voriconazol, fluconazol, terconazol, posaconazol). Tác dụng phụ thường gặp của các thuốc này là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, độc gan, phát ban, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ....
- Nhóm allylamines: Bao gồm các thuốc naftifine, terbinafine... Các thuốc chống nấm nhóm này diệt nấm do ức chế enzym squalen epoxidase gây tích tụ squalen, can thiệp tổng hợp ergosterol của tế bào nấm. Terbinafine là thuốc thuộc nhóm chống nấm allylamin rất hiệu quả trong điều trị nấm móng tay (onychomycosid), nấm móng chân.
- Một số loại thuốc kháng nấm khác:
+ Griseofulvin: Ngăn không cho tế bào nấm phân chia. Thuốc được dùng để điều trị nhiễm trùng da, tóc và móng tay.
+ Flucytosine: Chống nấm bằng cách ngăn tế bào nấm tạo ra axit nucleic và protein khiến tế bào nấm không phát triển được. Flucytosine có thể được sử dụng để điều trị nhiễm nấm Candida, Cryptococcus toàn thân.
Việc dùng thuốc tại chỗ trị nấm da cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
5. Lưu ý khi dùng thuốc
- Không dùng các dạng kem bôi có thành phần phối hợp kháng nấm/corticosteroid do tác dụng trị liệu rất kém và gây biến chứng teo da.
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Khi có dấu hiệu cảnh báo cần đi khám tại các cơ sở y tế, chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị cụ thể từ bác sĩ.
6. Làm sao để tránh mắc nấm da khi thời tiết nồm ẩm?
Để tránh mắc bệnh nấm da khi trời nồm ẩm, cần thực hiện:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
- Thường xuyên thay vỏ chăn ga, gối.
- Giữ khăn mặt sạch sẽ, khô ráo.
- Vệ sinh nhà ở, phòng ngủ sạch sẽ.
- Tránh mở cửa để hạn chế hơi ẩm vào trong nhà.
- Sử dụng điều hòa 2 chiều, máy hút ẩm, máy sấy quần áo.
- Uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau quả tươi, hạn chế đồ ăn cay nóng, có chất kích thích…
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02