Quá nhiều niacin có thể gây hại cho tim
Hàm lượng niacin (hay vitamin B3) cao, có thể gây viêm và làm hỏng mạch máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim…
1. Vai trò của niacin
Niacin đóng vai trò quan trọng như giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và giữ cho làn da, dây thần kinh, hệ tiêu hóa của chúng ta khỏe mạnh. Niacin cũng cải thiện tuần hoàn và làm giảm mức cholesterol LDL (có hại) và chất béo trung tính (chất béo) trong máu.
Khi cơ thể không nhận đủ niacin trong chế độ ăn uống, có thể dẫn đến các tình trạng như suy nhược, rối loạn tâm thần, tiêu chảy, chán ăn và các triệu chứng nghiêm trọng khác.
Niacin rất cần thiết cho cơ thể để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng…
2. Tại sao quá nhiều niacin lại gây hại tim?
Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Y học Tự nhiên cho thấy, khi niacin (vitamin B3) bị phân hủy, sẽ tạo ra các sản phẩm phụ được gọi là 2PY và 4PY. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những sản phẩm phụ này, đặc biệt là 4PY, có vai trò trực tiếp trong việc kích hoạt tình trạng viêm làm tổn thương mạch máu và có thể góp phần vào sự phát triển mảng bám trong động mạch (còn gọi là xơ vữa động mạch). Theo thời gian đây là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim, đột quỵ và các biến cố tim mạch khác.
Cụ thể hơn, trung bình những người có mức 4PY cao có nguy cơ mắc các biến cố tim mạch này cao hơn khoảng 60% so với những người có mức độ thấp hơn.
Bác sĩ tim mạch can thiệp Joseph Daibes, Bệnh viện Northwell Lenox Hill, ở New York (Hoa Kỳ), cho biết: Tình trạng viêm đóng một vai trò quan trọng trong bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch. 2PY và 4PY là các yếu tố gây viêm nên chúng làm tăng tình trạng viêm mạch máu, liên quan trực tiếp đến các kết cục tim mạch tồi tệ hơn, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu này là bước đệm cho những nghiên cứu sâu hơn, có thể giúp chúng tôi hiểu cách có thể giảm thiểu hơn nữa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
TS. Stanley Hazen, Phòng khám Cleveland, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: Những hiểu biết sâu sắc này tạo tiền đề cho việc phát triển các phương pháp tiếp cận mới nhằm chống lại tác động này. Đây là những điều bạn cần biết về lý do tại sao niacin có thể có hại cho tim, và việc bổ sung thế nào cho an toàn, hiệu quả.
Quá nhiều niacin có thể gây hại cho tim.
3. Những thực phẩm và sản phẩm nào chứa niacin?
Bạn có thể nhận niacin một cách tự nhiên từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm cá, thịt đỏ, thịt gia cầm, thịt lợn, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, các loại hạt, chuối. Nó cũng được thêm vào thực phẩm giàu dinh dưỡng và tăng cường dinh dưỡng, chẳng hạn như bánh mì, ngũ cốc và sữa công thức cho trẻ sơ sinh.
Niacin cũng được tìm thấy trong nhiều chất bổ sung trong chế độ ăn uống như vitamin tổng hợp hoặc chất bổ sung khoáng chất, đặc biệt ở dạng axit nicotinic và nicotinamide (hai dạng hóa học của niacin).
Ở dạng axit nicotinic, niacin cũng có thể được sử dụng như một loại thuốc theo toa để điều trị cholesterol cao, nhưng do có những tác dụng phụ nguy hiểm tiềm ẩn, nên không còn được sử dụng phổ biến như trước đây.
4. Bao nhiêu niacin là nguy hiểm?
Nhu cầu khuyến nghị niacin (mg/ngày), theo tài liệu của Viện Dinh dưỡng. EAR: Nhu cầu trung bình ước tính; RDA: Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị; AI:Mức tiêu thụ đủ; UL: Giới hạn tiêu thụ tối đa.
Chế độ ăn uống khuyến nghị cho niacin thường là khoảng 16 mg đối với nam và 14 mg đối với nữ trưởng thành. Phụ nữ mang thai là 18 mg và 17 mg cho phụ nữ đang cho con bú.
Vượt qua mức khuyến nghị trên đều có nguy cơ gây độc tính. Việc tiêu thụ niacin liều cao ở dạng bổ sung, đặc biệt là trên 500 mg và đặc biệt là ở dạng axit nicotinic, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc niacin. Một trong những triệu chứng phổ biến hơn của việc sử dụng quá nhiều niacin là da đỏ bừng xuất hiện khắp cơ thể.
Các triệu chứng khác của ngộ độc niacin bao gồm bệnh gout, các vấn đề về tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, mờ mắt, mệt mỏi, huyết áp thấp, nôn mửa, dễ bầm tím, chảy máu nhiều từ vết thương và trong một số trường hợp hiếm gặp là viêm gan.
Tuy nhiên, bạn khó có thể bị nhiễm niacin liều cao nguy hiểm do ăn quá nhiều thực phẩm giàu niacin, vì nguồn thực phẩm thường cung cấp lượng chất dinh dưỡng cân bằng. Nguy cơ cao hơn từ các chất bổ sung, đặc biệt nếu dùng một lượng lớn theo thời gian. Đó là lý do tại sao bạn phải luôn trao đổi với chuyên gia y tế trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại vitamin nào, trong đó có niacin.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về mối liên hệ này nhưng quá nhiều niacin hoặc vitamin B3 có thể có hại cho sức khỏe tim mạch. Bạn không thể nhận được quá nhiều niacin từ chế độ ăn uống của mình, nhưng các chất bổ sung có thể gây rủi ro nếu bạn dùng liều cao trong thời gian dài.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02