Cách nào nhận biết thuốc trị trầm cảm không hiệu quả?
Thuốc chống trầm cảm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng thuốc lại không có hiệu quả. Vậy đâu là cách nhận biết tình trạng này?
1. Các dấu hiệu cảnh báo thuốc trị trầm cảm không hiệu quả
- Triệu chứng không thuyên giảm sau 12 tuần
Thông thường sau 4 đến 6 tuần uống thuốc trị trầm cảm, các triệu chứng bệnh sẽ giảm và đạt kết quả tốt nhất khi uống thuốc trị trầm cảm sau 8 đến 12 tuần. Tuy nhiên, nếu sau 3 tháng, người bệnh không cảm thấy hiệu quả của thuốc, không thuyên giảm các triệu chứng bệnh, cần trao đổi ngay với bác sĩ.
Trầm cảm khiến người bệnh rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản...
- Triệu chứng trầm cảm nặng hơn
Sau khi uống thuốc trị trầm cảm bệnh không thuyên giảm, các triệu chứng nặng lên, cần báo ngay với bác sĩ để có cách xử trí kịp thời.
Một số loại thuốc điều trị bệnh khác làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống trầm cảm cũng khiến cho các triệu chứng nặng hơn. Vì vậy, cần báo với bác sĩ về tất cả các thuốc đang dùng để loại trừ các tương tác thuốc có thể xảy ra.
- Bệnh tái phát
Nhiều người bệnh sau khi uống thuốc sẽ giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, các triệu chứng bệnh quay trở lại. Lúc này cần báo cáo ngay với bác sĩ để được thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc.
Cần trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc trị trầm cảm.
- Gặp nhiều tác dụng phụ
Giống như các loại thuốc khác, thuốc chống trầm cảm cũng có thể có tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn, tiêu chảy... Nếu các tác dụng phụ này ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, nên trao đổi với bác sĩ để khắc phục.
- Mắc hội chứng serotonin
Nếu người bệnh dùng thuốc liều cao hoặc nhiều loại thuốc trị trầm cảm sẽ làm tăng nồng độ serotonin trong cơ thể, với các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, sốt và co giật. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong.
Do đó, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu dùng thuốc hoặc tăng liều, cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử trí.
2. Cách nào khắc phục?
Để điều trị trầm cảm hiệu quả, người bệnh cần thực hiện:
- Không tự ý dùng thuốc trầm cảm khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Người bệnh cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Thuốc trầm cảm cần có thời gian để đạt được hiệu quả mong muốn, có thể mất vài tuần hoặc vài tháng. Do đó, người bệnh không nên sốt ruột khi uống thuốc mà chưa đạt được kết quả điều trị ngay lập tức.
- Cần trao đổi với bác sĩ nếu gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào khi uống thuốc. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể tăng, giảm liều thuốc, đổi sang thuốc khác, thay đổi thời gian uống thuốc (uống ban đêm hay ban ngày)… để thuốc phát huy đúng tác dụng.
- Uống thuốc đầy đủ, tuyệt đối không được bỏ liều hoặc tự ý bỏ thuốc khi triệu chứng đã thuyên giảm. Trong bệnh trầm cảm, dù các triệu chứng bệnh đã hết nhưng nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc ngừng dùng thuốc lúc này có thể khiến bệnh trầm cảm tái phát nhanh chóng, khả năng hồi phục kém, khó điều trị hơn và chi phí điều trị tốn kém hơn.
- Người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, tập luyện hàng ngày, đồng thời tránh sử dụng các chất kích thích và rượu...
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02