Mơ chua tốt cho sức khỏe
Ô mai chính là trái mơ đã được chế biến mà ra. Mơ và ô mai còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe mà ít ai chú ý đến.
Đông y gọi quả mơ là mai tử, vị chua, tính bình. Mai tử vào các kinh can, tỳ, phế, đại tràng.
Mơ xanh được gọi là thanh mai. Thanh mai được sấy khô có màu sẫm gọi là ô mai.
Mơ rộ mùa vào tháng 5, tháng 6, nhưng vào những ngày đầu thu vẫn thấy bày bán những hàng mơ vàng ươm đẹp mắt.
Hoa mơ chẳng những đẹp mà còn có tác dụng chữa bệnh. Nụ mơ mới hé nở đem thu hái, ướp đường hoặc dùng pha trà, pha nước chấm, nấu cháo đều rất ngon. Hạt mơ điều trị khá tốt tình trạng can khí uất kết, khó chịu trong ngực, dạ dày hoạt động kém. Lá mơ, rễ mơ, cành mơ đều có thể dùng làm thuốc điều trị bệnh phụ khoa, sỏi mật, viêm túi mật, bệnh tràng nhạc...
Trên lâm sàng, người ta dùng ô mai làm thuốc nhiều hơn.
Trong 100g mơ: năng lượng: 2,5%, carbonhydrate: 8,5%, chất xơ: 5%, protein: 2,5% chất béo: 1%, cholesterol: 0%, vitamin A: 64%, vitamin C: 16%, vitamin K: 3%, sắt: 5%.
Một số tác dụng đáng chú ý của trái mơ
Tăng sức đề kháng, giảm lão hóa: thành phần của trái mơ ít năng lượng (chỉ có 2,5% trong 100g mơ), giàu chất xơ và chất chống oxy hóa, giàu vitamin và khoáng chất. Chính thành phần đặc biệt này mà mơ có công dụng hiệu nghiệm trong việc giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm lão hóa, ngăn ngừa cholesterol.
Trái mơ giải khát, sinh tân dịch: nghĩ đến vị chua thường có phản ứng kích thích làm tiết nước bọt, có thể dùng để giải khát, sinh tân dịch vào những ngày nắng nóng.
Nước quả mơ tươi pha đường hoặc nước mơ ngâm đường pha nước uống giải khát rất tốt, tăng sức bền bỉ, chống mệt mỏi, giảm mất mồ hôi, đỡ mệt mỏi, ăn ngon miệng, ít bị rối loạn tiêu hóa.
Thức uống giải khát: mơ tươi, mơ khô hay mơ ngâm đều có những giá trị riêng ít quả nào sánh kịp. Dù trái mơ khô, hoặc đã ngâm lên men có giá trị dinh dưỡng cao nhiều lần so với mơ tươi. Cách ngâm nước mơ: rửa sạch mơ, để ráo rồi cho vào bình thủy tinh ướp đường theo công thức: 1-1, cứ một lớp mơ rải một lớp đường trắng, cứ thế cho đến kín miệng bình, đậy chặt nắp lại, để trong vài tuần là có thể dùng được. Mơ ngâm càng lâu càng ngon. Những ngày trời nóng nực, người mệt mỏi thiếu sức hoặc muốn giải nhiệt, dùng cả nước và trái mơ pha với nước lọc, thêm chút đường và vài viên đá lạnh là đã có ly nước mơ thơm ngon.
Kích thích tiêu hóa: rượu mơ có tác dụng giúp ăn ngon, tiêu cơm, thịt, chất béo và tăng thị lực, dùng vào mỗi bữa ăn với 1 chén con 25 - 30ml. Rượu mơ xanh, tính hàn, vị ấm, chữa kém ăn, bụng có giun. Rượu vang mơ có thể uống gấp đôi.
Trái mơ và thị lực: theo các chuyên gia sức khỏe Ấn Độ hàm lượng beta-carotene dồi dào trong quả mơ rất tốt cho mắt. Quả mơ còn chứa vitamin A có tác dụng cải thiện thị lực. Vitamin A là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có tác dụng ngừa các phân tử gốc tự do gây hại tế bào và mô. Theo các chuyên gia, tình trạng thoái hóa của các phân tử gốc tự do có thể dẫn đến đục thủy tinh thể hoặc gây tổn hại nguồn cung cấp máu cho mắt và gây ra thoái hóa điểm vàng, vốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến mù lòa.
Ngăn ngừa táo bón: quả mơ chứa nhiều chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón và các rối loạn tiêu hóa.
Trị đau khớp dạng phong thấp: vừa uống rượu thanh mai vừa dùng rượu này xoa bóp, ngày vài lần.
Trị răng đau nhức: quả mơ chín giã nát đắp vào răng.
Giải rượu: dùng mơ nấu với trà uống (rất hay).
Làm đẹp với mơ: trong trái mơ có chứa các vitamin và khoáng chất sẽ kích thích quá trình luân chuyển oxy trong tế bào, làm tế bào da nhanh chóng hồi phục, làm chậm quá trình lão hóa của da. Tinh dầu từ trái mơ rất có lợi cho da mặt người lớn và các loại da nhạy cảm. Sau khi hấp thụ qua da, nó sẽ giúp tái tạo, bảo vệ và giữ ẩm cho da mặt. Trái mơ chứa một thành phần axít silic rất tốt trong công dụng làm đẹp da cho phụ nữ. Có thể tự pha chế một loại kem tẩy tế bào chết bằng cách rửa sạch mơ tươi, xay nhuyễn cả hạt. Chính những chất trong hạt mơ có tác dụng đặc biệt làm giảm mụn trứng cá, chất AHA trong “thịt” mơ sẽ làm sáng da, giảm vết thâm hiệu quả.
Trái mơ và thai phụ: các chất dinh dưỡng trong quả mơ giúp duy trì hàm lượng đường ổn định trong máu, từ đó, có tác dụng phòng tránh bệnh tiểu đường thai kỳ. Hàm lượng sắt có trong quả mơ giúp ngăn ngừa thiếu máu, đồng thời có tác dụng giảm căng thẳng cho người mẹ. Mơ cũng chứa axít folic, có tác dụng ngừa xuất hiện dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống. Các vitamin và chất khoáng trong mơ giúp bào thai phát triển…
Lưu ý khi ăn mơ hoặc uống nước mơ
- Ăn mơ xanh, quá chua với số lượng lớn có thể gây rối loạn tiêu hóa.
- Chất Sulfur dioxide trong trái mơ có thể gây ra một số phản ứng dị ứng.
- Vì mơ vị chua, tính ấm, ăn nhiều hại răng, sinh đờm, thêm nhiệt cho nên người bị cảm mạo, dạ dày dư axít, trẻ em bị lên đậu cấp tính... cần kiêng dùng.
- Uống quá nhiều nước mơ có thể làm hệ thần kinh quá tải do chất amygdalin có trong quả mơ. Trường hợp nặng, nó có thể gây suy hô hấp.
Lương y Hoàng Duy Tân
Tin nổi bật
- Dưỡng sinh cổ truyền phòng tránh tà khí xâm nhập cơ thể
29/09/2020 - 10:11:21
- Xoa bóp dưỡng can, sáng mắt
12/08/2020 - 14:50:18
- Bảo vệ đôi mắt trẻ bằng các biện pháp Đông y
18/07/2020 - 09:46:04
- Day ấn huyệt thúc đẩy khí huyết vùng mắt
10/07/2020 - 09:46:27
- Triết lý 'làm điều mình thích' giúp người Nhật sống thọ trăm tuổi
17/04/2019 - 08:57:01
- Về hưu, sống vui, sống khỏe nhờ chăm thể dục
04/04/2019 - 14:44:48