Kỹ sư Nhật Bản từ chối về nước, chữa ung thư ở Hà Nội
Ông Udagawa KemlChi 62 tuổi người Nhật Bản, mắc ung thư trực tràng, đã lựa chọn Bệnh viện K để điều trị.
Ông KemlChi bị đau tức bụng dưới kèm đau rát hậu môn, đại tiện khó khăn, không đi khám. Đến khi bị đi ngoài ra máu, gia đình mới đưa ông đến Bệnh viện K khám.
Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển. Ông KemlChi được chỉ định hóa xạ trị tiền phẫu, sau đó sẽ phẫu thuật trực tràng.
Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, cho biết khi đưa ra phác đồ điều trị, các bác sĩ đã hỏi ý kiến của ông KemlChi. Bệnh nhân đang là kỹ sư, làm việc và sinh sống tại Việt Nam 8 năm. Ông có bảo hiểm y tế tại Nhật Bản. Nếu về Nhật điều trị ông, sẽ được bảo hiểm chi trả hoàn toàn. Trong trường hợp điều trị ở Việt Nam, ông KemlChi cũng có bảo hiểm ở bệnh viện quốc tế do công ty hỗ trợ.
Sau khi bàn bạc với người thân, bệnh nhân chọn chữa trị tại Bệnh viện K.
"Tôi tin tưởng vào trình độ chuyên môn của bác sĩ Việt Nam, trang thiết bị y tế của bệnh viện K", ông KemlChi chia sẻ.
Trước quyết định của bệnh nhân, các bác sĩ đã bắt tay vào điều trị cho người bệnh. Ca phẫu thuật cho ông KemlChi được đánh giá phức tạp bởi khối u tương đối lớn xâm lấn thành chậu. Kíp mổ phải thắt mạch máu và chậu trong cho bệnh nhân, lấy trọn vẹn được khối u kích thước 4x5 cm.
Ông KemlChi điều trị tại Bệnh viện K. Ảnh: Trần Hà.
Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Khoảng 8.000 bệnh nhân được phát hiện bệnh mỗi năm. Dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên hơn 13.000 người.
Ung thư đại trực tràng đứng thứ hai trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ với hơn 6.000 ca mỗi năm. Dự kiến đến năm 2020 số phụ nữ được phát hiện ung thư đại trực tràng hơn 11.000.
Theo giáo sư Thuấn, phần lớn dấu hiệu bệnh không đặc trưng nên người bệnh thường không nghĩ tới ung thư. So với các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác, ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt hơn. Tỷ lệ khỏi bệnh sau 5 năm là 40-60%. Đây là một trong những ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết thời gian qua bệnh viện đã khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân là người nước ngoài. Bệnh viện K hướng đến nâng cao chất lượng điều trị ung thư sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhìn nhận thực tế nhiều người nước ngoài cũng như Việt kiều đã chọn Việt Nam là nơi khám chữa bệnh.
Năm 2018 ước tính có khoảng 300.000 người nước ngoài khám chữa bệnh ở Việt Nam, trong đó hơn 57.000 người điều trị nội trú. Bệnh nhân nước ngoài thường lựa chọn các dịch vụ như can thiệp tim mạch, nha khoa, ngoại khoa, ung thư và thẩm mỹ vì chi phí rất rẻ trong khi chất lượng điều trị không thua gì các nước.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, thu hút bệnh nhân người nước ngoài, bệnh nhân có điều kiện ở Việt Nam không ra nước ngoài chữa trị mà khám chữa bệnh ngay trong nước, Bộ trưởng Y tế cho rằng các bệnh viện cần nâng cao chất lượng.
Bộ trưởng Y tế cũng mong muốn những người bệnh có tiền không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh nữa. Bộ Y tế đang xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo tiêu chuẩn nước ngoài như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam điều trị theo yêu cầu của người bệnh.
Lê Nga
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37