Sự thật về phương pháp ‘không ăn thịt, cá để tế bào ung thư tự chết’
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư.
Mới đây Robert O Young, tác giả cuốn sách bán chạy "The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health" bị phạt hơn 100 triệu đô la Mỹ (khoảng 2.400 tỷ đồng) cho một bệnh nhân ung thư vì khuyên cô từ bỏ các phương pháp điều trị truyền thống.
Cuốn sách tạm dịnh là “Phép màu pH: Cân bằng chế độ ăn, lấy lại sức khỏe” xuất bản năm 2002, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Phương pháp điều trị của Young dựa trên lý thuyết rằng tính axit trong cơ thể là nguyên nhân gây bệnh và chế độ ăn kiềm là câu trả lời.
Theo đó, tế bào ung thư có tính axit, ăn thực phẩm có tính kiềm sẽ cô lập tế bào ung thư. Nếu không ăn thịt cá, đường bột, tế bào ung thư sẽ tự chết mà không cần sự can thiệp của y học hiện đại.
Robert O Young vừa bị phạt hơn 100 triệu đô la Mỹ vì khuyên bệnh nhân từ bỏ phương pháp điều trị truyền thống.
Liên quan đến vấn đề này, trong một lần trả lời báo chí gần đây, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh, những người theo phong trào kiềm hóa cơ thể cho rằng chỉ cần thay đổi những hoạt động hàng ngày, tư tưởng, ăn 100% thực phẩm tạo kiềm, nếu PH = 8,5, tế bào ung thư sẽ chết.
Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư.
“Chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Vì thế, việc lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư là một sai lầm. Dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả”, GS Thuấn chia sẻ.
Vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh có đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật, đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Theo ông, người bệnh có thể lựa chọn chế độ ăn chay: ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc song phải đảm bảo đó là chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Vì nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K khuyên người bị ung thư nên có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. (Ảnh: P. Nam)
Với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, không phải cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Chung quan điểm này, giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho rằng người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng trước, trong và sau quá trình điều trị. Điều này giúp người bệnh nâng cao thể lực, đủ sức theo hết liệu trình điều trị và giảm tác dụng phụ do quá trình điều trị gây nên. Cụ thể ăn nhiều rau, hoa quả, sữa chua, tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm, đường, lipid không phải kiêng hoàn toàn, kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích, rèn luyện thể thao phù hợp.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất đạm có nguồn gốc động vật là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Đây là nguyên liệu bồi phụ lại khối nạc của cơ thể đã mất do tăng quá trình dị hóa của cơ thể. Nó còn giúp tăng cường khả năng ngon miệng trong khi người bệnh ung thư luôn chán ăn, ăn uống kém.
Các phương pháp điều trị ung thư gồm: phẫu thuật, xạ trị, điều trị tia phóng xạ từ ngoài, điều trị xạ trong, hóa trị liệu, điều trị nột tiết, điều trị đích… Trong đó phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư có lịch sử lâu đời nhất và là phương pháp điều trị khỏi với một số bệnh ung thư. Tia xạ liều cao có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển và lan tràn các tế bào ác tính… Vì thế, khi có người bệnh người dân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa ung thư điều trị, từ đó lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
Kiềm hóa cơ thể hay kiềm hóa máu cơ thể xuất phát từ quan niệm cho rằng tế bào ung thư chỉ sống được trong môi trường axit. Vì thế, người bệnh được khuyên nên ăn những thực phẩm giàu tính kiềm hạn chế axit. Trong đó thực phẩm chứa kiềm cao là nhóm rau, củ quả như măng tây, hành tây, cải bó xôi, cải xanh, tỏi, chanh, dưa hấu, bưởi, xoài, đu đủ, khoai lang, đâu bắp, xà lách, cần tây, táo, lê... Các loại thực phẩm giàu tính axít là tinh bột, đường hoá học, đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn... |
Phương Nam
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39