Bảo đảm sức khỏe mùa nắng nóng
Những ngày qua TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ bước vào đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2019. Nhiệt độ đỉnh điểm ngoài trời đo được tại TP Hồ Chí Minh là 36°C (ngày 11-2) và nhiệt độ cao nhất toàn khu vực Nam Bộ là 36,6°C. Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Người dân TP Hồ Chí Minh mệt mỏi khi phải ra đường vào những ngày nắng nóng
Cao điểm đợt nắng nóng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong năm 2019 vừa hạ nhiệt thì người dân tiếp tục đón đợt nắng nóng lần thứ hai. Theo Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ: Dự kiến, đợt nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 2-2019. Tuy nhiên, đây chưa phải cao điểm nắng nóng trong mùa khô ở miền Nam. Thời gian tới, vào các tháng 3, 4, 5 sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt hơn. Dự báo, đợt cao điểm nắng nóng ở Nam Bộ sẽ rơi vào tháng 4 với nhiệt độ là 38°C.
Thạc sĩ Lê Đình Quyết cho hay, những ngày vừa qua, đi cùng nắng nóng là tia cực tím (UV) đo được tại TP Hồ Chí Minh ở mức 10, đây là mức rất cao gây hại cho da, mắt.
Nắng nóng khiến cuộc sống của người dân tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm này nông dân đang bước vào vụ thu hoạch lúa phải làm việc ngoài đồng. Bên cạnh đó, tại đô thị ít không gian xanh, tiết trời nắng nóng ảnh hưởng đến người già, trẻ em và những người lao động trực tiếp dưới nắng nóng như công nhân môi trường - đô thị, công nhân xây dựng, người giao hàng, xe ôm. Anh Nguyễn Tiến Quyết, ngụ tại phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh làm nghề giao hàng cho biết: “Bình thường tôi tranh thủ giao hàng buổi trưa lúc đường thông thoáng. Nhưng gặp thời tiết nắng nóng gay gắt, việc giao hàng mệt hơn, tôi không thể chạy nhiều đơn hàng như những ngày trước”.
Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nắng nóng sẽ dẫn đến các bệnh do nhiệt gồm: Phù, phát ban, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức, sốc nhiệt (đột quỵ). Trong thời tiết nóng bức hay thời điểm giao mùa, chúng ta phải lưu ý thêm các bệnh về đường hô hấp. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), loại bệnh phổ biến nhất ở trẻ em sẽ gia tăng trong thời điểm nắng nóng là sốt siêu vi. Đây là bệnh do vi rút gây ra, chúng rất dễ tấn công nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh.
Để phòng tránh tác hại của nắng nóng kéo dài thời gian tới, Thạc sĩ Lê Đình Quyết cho biết, người dân phải lao động sản xuất, thu hoạch nông sản dưới thời tiết nắng nóng cần uống nhiều nước, trang bị quần áo dày, sẫm màu, nón (mũ), khẩu trang, khăn kín để hạn chế tiếp xúc với tia UV. Đặc biệt, không nên nhìn thẳng vào mặt trời vì tia UV rất có hại cho mắt. Đối với trẻ nhỏ, tia UV có thể làm bỏng da, ung thư da, vì thế phụ huynh cần hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với nắng nóng cao điểm từ 11h trưa đến 3h chiều, đây là thời điểm tia UV mạnh nhất.
Tuệ Diễm
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37