Đang chờ khám tiêu chảy, bé lên cơn co giật vì nắng nóng
Bé gái tiêu chảy kèm sốt cộng với nhiệt độ bên ngoài cao đã lên cơn co giật, không xử lý đúng có thể nguy hiểm tính mạng.
Ngày 21/2, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, trong ngày 20/2, Khoa tiếp nhận một trường hợp khá hi hữu.
Đó là bé gái (9 tháng tuổi) đang được cha mẹ đưa đến BV Nhi đồng 1 để khám tiêu chảy kèm theo sốt. Lúc ở phòng khám chờ đến lượt thì bé đột ngột lên cơn sốt cao, biến chứng co giật khiến ba mẹ hốt hoảng.
Ngay sau đó, bé đã được đưa đến Khoa hồi sức để xử trí. Tại đây, bé đã được lau mát, thông đường thở, đặt nằm nghiêng cho thở oxy. Vài phút sau, bé hồi tỉnh. Đến tối, tình trạng của bé ổn định nên đã được chuyển sang Khoa tiêu hóa tiếp tục điều trị.
Theo BS Phạm Văn Quang, nguyên nhân khiến bé co giật có thể do bé đang sốt cộng với nhiệt độ bên ngoài cao làm cho thân nhiệt của bé tăng cao gây co giật.
Trong các tình huống này, nếu phụ huynh không biết cách xử trí có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bé. BS Quang hướng dẫn nếu bé lên cơn co giật tại nhà, phụ huynh nên lập tức đặt bé nằm nghiêng.
“Sở dĩ phải đặt bé nằm nghiêng thì lúc này lưỡi của bé sẽ rớt ra phía trước, giúp khai thông đường thở. Nếu chẳng may bé có ói ra đàm nhớt thì tư thế này cũng sẽ giúp tống khứ dịch ra. Nếu áp dụng theo cách này, khoảng vài chục giây sau, bé sẽ hết co giật. Tuyệt đối không nặn chanh, đổ sả, đổ nước vào miệng bé lúc này vì sẽ gây hít sặc, biến chứng viêm phổi”, BS Quang lưu ý.
BS Phạm Văn Quang đang thăm khám cho một bệnh nhi. Ảnh: HL
Cũng theo BS Quang, thời tiết TP.HCM đang nắng nóng, đây là thời điểm thuận lợi cho các bệnh lý liên quan tăng cao. Trong đó là các bệnh lý về đường tiêu hóa, bệnh lý hô hấp, bệnh lý về da, các bệnh truyền nhiễm. Bệnh lý về đường tiêu hóa có thể kể ra là tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm do thức ăn trong môi trường nóng dễ ôi thiu, ô nhiễm. Do đó, phụ huynh cần chú ý thực hiện ăn chín, uống sôi bảo vệ trẻ.
Bên cạnh đó, trời nóng nên nhà nhà sử dụng quạt, máy lạnh nhiều hơn. Trẻ con bản tính hiếu động nên thường chạy ra chạy vào giữa hai môi trường trong nhà và bên ngoài. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến trẻ viêm amidan, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi. Do đó, phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước, cho trẻ ở nơi thoáng mát nhưng đừng để nhiệt độ xuống quá thấp.
Bệnh lý về da gồm có rôm sảy, nhiễm trùng. Nguyên nhân do trời nóng, bé sẽ đổ mồ hôi, khó chịu nên có khuynh hướng gãi tay chân, môi trường da chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, cần tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho bé bớt đổ mồ hôi.
Ngoài ra, đối với các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu đã có vắc xin nên phụ huynh cần đưa bé đi tiêm ngừa đầy đủ đầy đủ, nhận biết các dấu hiệu phát hiện bệnh sớm để đưa đi thăm khám, chủ động cách ly bé nếu mắc phải để bảo vệ cho cộng đồng.
Quá tải bệnh nhi Theo BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa khám bệnh BV Nhi đồng 1, số bệnh nhi đến khám luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, tại đây tiếp nhận 4.000 đến 5.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong số đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh lý về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay chân miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, viêm não. Theo các bác sĩ, chính sự thay đổi của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus bùng phát và tấn công khiến trẻ mắc bệnh. |
Hoàng Lan
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58