7 giờ cắt thực quản bóc tách khối u hiếm
Khối u ác tính trong lòng thực quản của nữ bệnh nhân 66 tuổi được bác sĩ TP HCM phẫu thuật thành công.
Khám tại một bệnh viện sau thời gian bị nuốt nghẹn, sụt cân, bà Lưu Tú Nữ gặp tiến sĩ Đỗ Minh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Quốc tế Mỹ. Ông Hùng nói rằng đây là ca bệnh hiếm gặp thứ hai ông gặp trong hơn 24 năm làm nghề. Các khối u mô đệm đường tiêu hóa chủ yếu ở dạ dày (60-70%), ruột non (20-30%), đại trực tràng (trên 5%) và ngoài đường tiêu hóa (dưới 5%)... Riêng u mô đệm ở thực quản như bệnh nhân này là cực kỳ hiếm, chỉ dưới 1%.
"Khối u của bệnh nhân kích thước 3,7 x 4,2 cm, dài 8 cm kéo dài từ thực quản dưới đến tâm vị nên phải chuẩn bị cho cuộc mổ lớn, phức tạp", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Điều trị những u mô đệm đường tiêu hóa khu trú chủ yếu là phẫu thuật. Nếu khối u xuất hiện ở các vị trí khác của đường tiêu hóa thì có thể cắt một phần ống tiêu hóa. Thực quản có cấu trúc và vị trí giải phẫu khác biệt nên việc quyết định phương thức phẫu thuật với u mô đệm thực quản cũng là một bài toán.
Thông thường nếu khối u nhỏ 2-5 cm thì bác sĩ sẽ bóc tách nhân thành một khối với điều kiện không được để vỡ. Đối với khối u lớn trên 8 cm, phải cắt bỏ thực quản, là cuộc phẫu thuật lớn nhất của đường tiêu hóa. Đây là vùng nằm gần tim, phổi và các mạch máu lớn.
Bệnh nhân khỏe mạnh sau mổ. Ảnh: Lê Phương.
Trước đây cắt thực quản qua mổ mở khiến bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, thời gian hồi phục chậm cùng nhiều tai biến, biến chứng. Những thập niên gần đây, phẫu thuật cắt thực quản nội soi ngực - bụng phát triển tốt, mang nhiều lợi ích cho bệnh nhân nên được áp dụng nhiều trên thế giới.
Trải qua khoảng 7 giờ phẫu thuật, bác sĩ đã cắt thực quản mang khối u, tạo hình ống dạ dày hoàn toàn bằng nội soi, đoạn nối thực quản cổ với ống dạ dày được tạo hình để phục hồi lưu thông đường tiêu hóa. Trong cuộc mổ, bệnh nhân được xoay trở hai tư thế nằm sấp và nằm ngửa để bác sĩ thuận tiện thao tác.
Bệnh lý u mô đệm đường tiêu hóa hiếm khi di căn hạch nên không cần thiết nạo hạch thường quy như các loại ung thư biểu mô tuyến hay vảy của thực quản, cuộc mổ đỡ nguy cơ hơn so với phẫu thuật ung thư loại khác của thực quản. Tuy nhiên đây vẫn là phương pháp khó, phẫu thuật viên phải có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, gây mê hồi sức phải chuyên sâu, các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ.
Chỉ sau 5 ngày nằm viện, bệnh nhân hồi phục xuất viện. Bà Nữ trở lại sinh hoạt bình thường, ăn uống tốt sau một tháng. U mô đệm thực quản có tỷ lệ sống toàn bộ hơn 40%, tỷ lệ sống 5 năm không bệnh sau phẫu thuật gần 51% nên cần theo dõi sau mổ.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân cần tầm soát sức khỏe định kỳ, thăm khám sớm khi có các triệu chứng bất thường, nuốt nghẹn... Nếu phát hiện khi u còn nhỏ, có thể chỉ cần bóc trọn vẹn khối u, tránh phải cắt thực quản. Khi để lâu, khối u có thể vỡ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.
Lê Phương
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Máu trong nước tiểu cảnh báo ung thư gì?
09/01/2024 - 10:39:58
- Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ?
03/07/2023 - 11:56:41
- 5 nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm đường tiết niệu
29/06/2023 - 10:06:47