4 loại thuốc có thể là ‘thủ phạm’ gây đau đầu
Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu, trong đó một số loại thuốc điều trị bệnh có thể là ‘thủ phạm’ mà chúng ta không ngờ tới…
Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ và đôi khi đau đầu là một trong số những tác dụng phụ này. Nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc tránh thai, thuốc trợ tim và thậm chí cả thuốc giảm đau cũng có thể gây đau đầu.
Tuy nhiên, nếu người bệnh cảm thấy đau đầu trong khi dùng thuốc, đừng tự ý ngừng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ trước để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu là do thuốc, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc chuyển sang một loại thuốc khác.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể gây đau đầu cần lưu ý:
1. Thuốc giảm đau
Sẽ ít ai nghĩ rằng, thuốc giảm đau lại có thể là nguyên nhân gây đau đầu, nhưng sự thật là một số loại thuốc dùng để điều trị đau đầu lại có thể gây ra chứng đau đầu. Trong trường hợp này được gọi là đau đầu hồi ứng.
Tình trạng này xảy ra khi bạn sử dụng thuốc giảm đau nhiều lần trong tuần. Khi thuốc hết tác dụng, bạn lại bị đau đầu, khiến bạn càng phải uống nhiều thuốc hơn. Cuối cùng, bạn thấy mình ngày càng đau đầu nhiều hơn và thường đau nặng hơn. Tình trạng này có thể xảy ra với cả thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc kê đơn.
Aspirin nằm trong danh sách các thuốc có thể gây đau đầu.
Một số ví dụ về các loại thuốc có thể gây đau đầu hồi ứng (dội ngược) là:
- Aspirin
- Acetaminophen (paracetamol)
- Ibuprofen
- Naproxen
- Codein và thuốc giảm đau theo toa
- Thuốc có chứa caffein
- Thuốc trị đau nửa đầu (triptans)…
Cách tốt nhất để điều trị chứng đau đầu dội ngược là không dùng thuốc nữa. Trao đổi với bác sĩ để loại bỏ loại thuốc có thể gây ra đau đầu. Bạn có thể ngừng dùng thuốc, hoặc phải giảm liều dần dần.
2. Thuốc tránh thai
Một số phụ nữ bị chứng đau nửa đầu thấy rằng biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể giúp ích. Tuy nhiên, những người khác lại thấy rằng, thuốc tránh thai và các phương pháp ngừa thai nội tiết tố, chẳng hạn như miếng dán hoặc vòng âm đạo, có thể gây ra chứng đau nửa đầu.
Nếu bạn bị nhức đầu khi uống thuốc tránh thai, có thể là do sự sụt giảm estrogen xảy ra trong những ngày bạn uống viên thuốc không có hoạt tính hoặc giả dược có trong vỉ thuốc tránh thai.
Một số biện pháp khắc phục:
- Sử dụng thuốc tránh thai loại có ít thuốc không hoạt tính hơn, chẳng hạn như seasonale, seasonique hoặc các loại khác.
- Sử dụng một loại thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen thấp hơn.
- Chuyển sang vòng tránh thai (dụng cụ tử cung) để ngừa thai.
- Uống thuốc đau đầu không kê đơn hoặc theo toa trong những ngày dùng viên giả dược.
- Thử dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin thay vì kết hợp cả estrogen và progestin.
- Uống thuốc estrogen liều thấp hoặc đeo miếng dán estrogen trong những ngày dùng viên thuốc không có hoạt tính.
Lạm dụng thuốc có thể gây đau đầu.
3. Thuốc tim mạch
Nitroglycerin là một loại thuốc dùng để điều trị chứng đau thắt ngực, xảy ra khi bạn mắc bệnh tim. Loại thuốc này giúp giãn mạch, để máu có thể chảy dễ dàng hơn đến tim.
Nhức đầu là một tác dụng phụ phổ biến của thuốc này. Người dùng có thể bị đau đầu nhẹ đến trung bình ngay sau khi uống thuốc hoặc có thể bị đau nửa đầu dữ dội khoảng 3 đến 6 giờ sau đó. Ngoài ra, người uống có thể bị buồn nôn, nôn hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Cơn đau đầu có thể biến mất khi cơ thể quen với thuốc.
Nếu bạn dùng nitroglycerin bị đau đầu, hãy tiếp tục dùng thuốc và trao đổi với bác sĩ điều trị. Không nên tự ý điều trị vì một số loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu, chẳng hạn như triptans, có thể không an toàn đối với người bệnh tim.
4. Liệu pháp thay thế hormone
Liệu pháp thay thế hormon (HRT) điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm… có thể gây đau đầu. Nếu bạn bị đau đầu khi dùng HRT, hãy thảo luận với bác sĩ. Có một số thay đổi khác nhau mà bác sĩ có thể giúp giảm cơn đau.
Bạn có thể thử dùng liều HRT thấp hơn hoặc thử các loại HRT khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất với mình. Ví dụ, miếng dán da chứa estrogen là một loại HRT giải phóng một lượng estrogen thấp. Đây là phương pháp HRT ít có khả năng gây đau đầu nhất.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02