11 điều đáng sợ mà đường gây ra cho cơ thể
Bạn là người hảo ngọt hoặc không thể sống nếu thiếu nước ngọt? Có lẽ bạn sẽ thay đổi thói quen của mình sau
Đường có thể rút ngắn tuổi thọ
Bạn có thể biết rằng một thanh kẹo hoặc lon soda không có lợi cho sức khỏe, nhưng bạn có thể không biết chính xác hàm lượng đường của chúng ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào. Và tuy lâu lâu mới ăn một lần thì chả sao, nhưng việc ăn hàng ngày đã được chứng minh là có hậu quả khá tiêu cực đối với sức khỏe. Một nghiên cứu tại Đại học California đã phát hiện ra rằng uống khoảng 570ml nước ngọt mỗi ngày tương đương với 4,6 năm lão hóa tế bào, ngang với hút thuốc lá, và sự lão hóa tế bào này trước đây đã được liên hệ với tuổi thọ ngắn hơn.
Đường làm insulin tăng vọt
Một trong những tác dụng tức thời của đường đối với cơ thể là giải phóng nhiều insulin, điều chỉnh lượng đường trong máu. Nước ngọt là thủ phạm tệ nhất. Đường trong đồ uống được hấp thụ rất nhanh, dẫn đến tăng nhanh đường huyết và insulin. Dần dà, điều này có thể dẫn đến kháng insulin (trong đó cơ thể cần ngày càng nhiều insulin để có hiệu quả) và đặt bạn vào con đường dẫn đến sức khỏe trao đổi chất bất lợi. Đường tự nhiên, như trong trái cây, không có tác động tiêu cực tương tự vì chúng được kết hợp với chất xơ, giúp hấp thu chậm.
Đường khiến bạn có nguy cơ mắc đái tháo đường
Nếu lượng đường trong máu cao, bạn có thể đang trên tiến trình đến bệnh đái tháo đường. Kháng insulin đòi hỏi tuyến tụy sản sinh nhiều insulin hơn vì các mô không nhạy cảm. Theo thời gian, tuyến tụy có thể trở nên mệt mỏi do phải sản xuất quá sức và ngừng tiết ra đủ insulin. Khi điều này xảy ra, bệnh đái tháo đường týp 2 có thể phát triển.
Đường làm bạn tăng cân
Cơ thể cần một lượng đường nhất để làm năng lượng, nhưng phần còn lại được tích trữ dưới dạng mỡ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi mối quan hệ giữa đường và tăng cân lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong một số nghiên cứu, đường phụ gia có liên quan đến tăng cân và béo phì, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ mắc đái tháo đường týp 2. Cơ chế của điều này rất phức tạp, nhưng có thể liên quan đến tình trạng viêm độ thấp gây ra bởi béo phì cũng như kháng insulin. Ngoài ra, tiêu thụ đường phụ gia cũng liên quan đến tăng vòng eo (mỡ bụng), một yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim.
Đường làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim
Đây là cách để có một ngày khỏe mạnh nhất cho tim: Bỏ đường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động bất lợi của đường đối với cơ thể có thể liên quan đến cholesterol cao và tử vong do bệnh tim. Ăn nhiều đường có liên quan đến tăng một loại lipid máu gọi là lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL) đi kèm với nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đường cũng có thể làm giảm HDL, cholesterol “tốt” bảo vệ chống lại các vấn đề về tim. Thêm vào đó, hãy sẵn sàng cho huyết áp cao. Kháng Insulin có thể gây tăng huyết áp do ảnh hưởng đến thận, đến cấu trúc và chức năng của các động mạch và có thể ở các trung tâm trong não góp phần kiểm soát huyết áp.
Đường làm rối loạn các tín hiệu từ não
Mặc dù chưa hoàn toàn chứng minh là gây nghiện, nhưng đường có vẻ có tác dụng này đối với não. Những đồ ăn ngọt giàu năng lượng có thể dẫn đến sự củng cố việc tiêu thụ những thực phẩm đó trong một vùng não được gọi là hệ thống limbic. Về bản chất, chúng ta đang đào tạo bộ não của mình để thích và muốn những thực phẩm ngọt này, và điều đó có thể dẫn đến tăng tiêu thụ. Đường có thể kích thích những trung khu “thỏa mãn” của não, tương tự như ma túy.
Đường có thể khiến bạn vẫn thấy đói
Vì không nhận được bất kỳ chất dinh dưỡng thực sự nào khi ăn đường, nên bạn vẫn có thể cảm thấy đói. Một nghiên cứu của Úc cho thấy khẩu phần đường tinh luyện cao hơn có liên quan với mất khả năng cảm thấy no. Thêm vào đó, với nước ngọt, lượng calo từ đường ở dạng lỏng không được cho là bão hòa và mọi người không thể tính toán đầy đủ lượng calo đã tiêu thụ ở dạng lỏng với việc giảm lượng calo trong các bữa ăn tiếp theo.Vì vậy, cuối cùng bạn có thể ăn nhiều calo hơn.
Đường khiến cho não “đau khổ”
Các nghiên cứu ngày càng chứng minh nước ngọt có hại cho não, cũng như các loại đường phụ gia khác. Một nghiên cứu trên động vật từ Đại học bang Oregon cho thấy chế độ ăn nhiều đường dẫn đến suy giảm nhận thức, bao gồm các vấn đề về trí nhớ. Và một nghiên cứu của Anh gần đây đã phát hiện ra “điểm tới hạn” mà tại đó đường huyết sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến triển của bệnh Alzheimer. Thừa đường rất không tốt đối với đái tháo đường và béo phì, nhưng mối liên quan tiềm ẩn với bệnh Alzheimer là một lý do khác để chúng ta nên kiểm soát lượng đường trong chế độ ăn của mình.
Đường có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ
Gan không khỏe chỉ là một trong nhiều tác dụng của đường đối với cơ thể, đặc biệt là khi ăn nhiều. Fructose được chuyển hóa ở gan và ăn quá nhiều có thể dẫn đến sản sinh mỡ trong gan, đây là một con đường khác dẫn đến sức khỏe trao đổi chất bất lợi. Theo Đại học California San Francisco, tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, cũng như xơ gan, đã tăng gấp đôi kể từ năm 1980.
Đường gây sâu răng
Vi khuẩn ở miệng rất thích đường và khi chúng ăn đường, axit sẽ được giải phóng dưới dạng sản phẩm phụ. Axit này tấn công men răng và cho phép vi khuẩn xâm nhập vào lớp sâu hơn của cấu trúc răng, gọi là ngà răng. Càng ăn nhiều đường, miệng càng có tính axit và sâu răng càng phát triển nhanh. Thêm vào đó, đường nuôi dưỡng nấm men, có thể làm cho mép hoặc lưỡi bị đỏ. Nó cũng gây ra cảm giác ráp trong miệng, hoặc nhạy cảm với thức ăn cay.
Đường làm tăng nguy cơ trầm cảm
Một trong những tác động của đường đối với cơ thể là nó có thể làm cho trầm cảm nặng hơn. Lượng đường cao ở dạng carbohydrat đơn dẫn đến đường huyết dao động mạnh, có thể làm tâm trạng xấu đi, tăng bồn chồn, kích động, ngủ không ngon giấc và tăng viêm. Thay vào đó, hãy ăn protein nạc, carbonhydrat phức và thực phẩm chứa omega-3, folate và vitamin B.
Vậy có thể ăn bao nhiêu đường?
Nhiều loại thực phẩm có nhiều đường hơn bạn tưởng. Hướng dẫn chế độ ăn của Bộ Nông nghiệp Mỹ nói rằng không quá 10% lượng calo nên đến từ đường phụ gia – nghĩa là với chế độ ăn 2.000 calo thì con số này là 200. Hội Tim Mỹ chặt chẽ hơn, với giới hạn 100 calo cho phụ nữ và 150 cho nam giới. Thuật ngữ “đường phụ gia” để chỉ đường được thêm vào thực phẩm chế biến và sơ chế, cũng như đường được thêm vào tại thời điểm ăn. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào đường phụ gia như một chất có khả năng gây hại. Cuối cùng, hãy đọc nhãn dinh dưỡng để xem bạn sẽ nhận được bao nhiêu.
Cẩm Tú (Theo RD)
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37