Vitamin D có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ
Dùng vitamin D hợp lý có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ sa sút trí tuệ. Đây là kết quả một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Alzheimer’s & Dementia.
Theo đó, những người lớn tuổi dùng thực phẩm bổ sung vitamin D có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ thấp hơn 40% trong khoảng thời gian 10 năm so với những người không dùng thêm bất kỳ loại vitamin D nào.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Zahinoor Ismail tại Trường đại học Calgary (Canada), cho biết: "Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã tìm ra các tác dụng khác nhau của vitamin D. Một số tác dụng trong não có thể giúp giảm tình trạng sa sút trí tuệ và có bằng chứng cho thấy việc bổ sung sớm vitamin D có lợi trước khi khởi phát tình trạng suy giảm nhận thức".
Sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người cao tuổi.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã so sánh sự khởi phát các triệu chứng sa sút trí tuệ ở người dùng bổ sung vitamin D với người không bổ sung vitamin. Nghiên cứu bao gồm 12.388 người Mỹ không bị sa sút trí tuệ khi bắt đầu tham gia nghiên cứu, độ tuổi trung bình là 71.
Kết quả cho thấy, 75% người không dùng vitamin D bị sa sút trí tuệ trong vòng 10 năm, trong khi chỉ 25% người dùng vitamin D bị sa sút trí tuệ trong khoảng thời gian này.
Kết quả cũng cho thấy, vitamin D ngăn ngừa sa sút trí tuệ ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, mặc dù hiệu quả phòng ngừa ở cả hai giới vẫn cao hơn đáng kể so với việc không dùng bất kỳ loại vitamin D nào. Ngoài ra, hiệu quả phòng ngừa có vẻ tốt hơn nếu mọi người bắt đầu dùng thực phẩm bổ sung vitamin D trước khi có bất kỳ dấu hiệu rối loạn nào về nhận thức.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, vitamin D ít có khả năng ngăn ngừa được sự khởi phát tình trạng sa sút trí tuệ ở những người mang một gen đặc hiệu liên quan đến bệnh Alzheimer (có tên là gen APOE4), có thể là do gen này tác động đến khả năng hấp thu vitamin D của cơ thể.
Theo các chuyên gia, hiện có khoảng hơn 50 triệu người trên thế giới bị sa sút trí tuệ và dự báo con số này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, mặc dù sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người cao tuổi nhưng không được coi là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Sa sút trí tuệ bao gồm nhóm các triệu chứng xuất hiện khi người bệnh bị mất hoặc tổn thương tế bào não gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Một số triệu chứng ban đầu thường gặp trước khi có chẩn đoán sa sút trí tuệ, bao gồm:
• Mất trí nhớ.
• Khó tập trung.
• Cảm thấy khó thực hiện các công việc quen thuộc hàng ngày (như bối rối khi đi mua sắm,…)
• Gặp khó khăn khi theo dõi và tương tác trong cuộc trò chuyện.
• Nhầm lẫn về thời gian và địa điểm.
• Thay đổi tâm trạng.
Những triệu chứng này thường nhẹ và có thể ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Giai đoạn đầu, người bệnh thường được xác định tình trạng là suy giảm nhận thức nhẹ vì các triệu chứng chưa nghiêm trọng tới mức được chẩn đoán là sa sút trí tuệ.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42