Vì sao tắm sai cách có thể gây đau tim, đột quỵ?
Tiếp xúc đột ngột với nước lạnh hoặc tắm quá khuya khi nhiệt độ giảm sâu có thể gây đột quỵ, đau tim do cơ thể bị sốc, các mạch máu co lại, làm máu lưu thông chậm.
Thông thường, tắm nước lạnh được nhiều chuyên gia khuyến khích vì có lợi cho sức khỏe. Tiến sĩ Santosh Kumar Agrawal, cố vấn cấp cao, Khoa Nội, Bệnh viện Marengo QRG Faridabad (Ấn Độ), cho biết tắm nước lạnh hoặc tắm vòi sen giúp tăng cường lưu thông máu trong cơ thể, khiến các động mạch khỏe hơn và giảm huyết áp.
Tuy nhiên, việc tắm nước lạnh sẽ phản tác dụng vào mùa đông. Việc này đặc biệt có hại với bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Người cao tuổi, người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh mạch máu ngoại biên, tiền sử đột quỵ cũng có khả năng bị đột quỵ cao hơn khi tắm nước lạnh lúc nhiệt độ xuống thấp.
Lý do là việc tiếp xúc với nước lạnh đột ngột có thể gây sốc cho cơ thể, khiến các mạch máu trên da co lại, làm chậm quá trình lưu thông. Do đó, tim bắt đầu đập nhanh hơn để có thể bơm máu đi khắp cơ thể.
Thời tiết lạnh, nhất là lúc sáng sớm hoặc tối khuya cũng khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm cho cơ thể, vì vậy nhịp tim và huyết áp có thể tăng lên. Theo chuyên gia, nếu tắm ở nơi không kín gió, tắm lâu, lúc cơ thể yếu mệt vào hai thời điểm trên cũng có rủi ro cao.
Ảnh minh họa một người bị đột quỵ Ảnh: Freepik
Tiến sĩ Sudhir Kumar, nhà thần kinh học, Bệnh viện Apollo (Ấn Độ), nêu ví dụ đã có nhiều trường hợp tắm nước lạnh gây cơn đau tim, như một bệnh nhân 68 tuổi đã bị đột quỵ não do huyết áp cao khi tắm nước lạnh. Ông Sudhir Kumar cảnh báo thêm rằng tỷ lệ xuất hiện cơn rung tâm nhĩ kịch phát cao nhất vào mùa đông.
Tương tự, tiến sĩ Vikas Gupta, giám đốc Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Kailash Deepak, Delhi cho biết, các bác sĩ quan sát thấy sự gia tăng đáng kể tỷ lệ đột quỵ não trong mùa đông. "Trong những tháng lạnh, máu của chúng ta trở nên đặc hơn và các mạch máu tạm thời bị thu hẹp lại, điều này có thể làm tăng huyết áp, làm vỡ các mạch máu và dẫn đến chảy máu não, gây tàn tật và thậm chí tử vong", ông nói.
Để phòng ngừa, các chuyên gia khuyên rằng, vào mùa đông, hãy tắm nước ấm, song không được quá nóng. Nghiên cứu từ Trung tâm y tế công cộng Nhật Bản phát hiện tắm nước nóng hằng ngày giúp giảm 28% nguy cơ biến cố tim mạch, 26% nguy cơ đột quỵ, 23% tỷ lệ đột quỵ do nhồi máu...
Ngoài ra, không được dội nước lên đầu trước vì việc này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hãy dội từ từ trên cơ thể trước, sau đó mới đến đầu.
Mặt khác, việc giữ ấm cơ thể rất quan trọng. Nếu bạn dễ bị ốm trong thời tiết lạnh, hãy cố gắng mặc đủ nhiều lớp quần áo.
Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục và rèn luyện sức khỏe. Bạn có thể thực hiện các hoạt động như chạy bộ, đi bộ, thể dục nhịp điệu nhẹ, yoga, vận động tại nhà, khiêu vũ hoặc thiền. Tập thể dục thường xuyên giữ cho cơ thể ấm áp và giúp giữ dáng.
Tận dụng tối đa các loại trái cây và rau xanh tươi theo mùa. Tránh thực phẩm chiên, béo, đường sẽ làm tăng lượng cholesterol và đường trong máu. Ăn uống thực phẩm ấm và kết hợp gừng vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Cố gắng tránh làm những công việc nặng nhọc và vất vả nếu bạn mắc bệnh tim mạch. Không uống rượu, bia và hút thuốc lá.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42