Vì sao nhiều người đau đầu khi tập thể dục?
Nhiều người đau đầu khi vận động, tập thể dục có thể do cơ thể đang cần nhiều máu và oxy hơn, ảnh hưởng của nhiệt độ hoặc cảnh báo bệnh thần kinh.
Anh Nguyễn Văn Anh (38 tuổi, quận Bình Tân, TP HCM) thường xuyên bị đau đầu lúc đang tập hoặc sau khi tập thể dục kéo dài, gắng sức như chạy, quần vợt, bơi lội và cử tạ. "Có những lúc chạy tôi cảm giác nhói, buốt đầu, nếu chạy nhanh hơn hoặc vận động mạnh hơn có thể đau đầu rất dữ dội", anh nói.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiều bệnh nhân đến phòng khám thường than với bác sĩ là bị đau nhức đầu, chóng mặt sau khi tập thể dục hoặc gắng sức làm một việc gì đó. Nhiều trường hợp bị đau đầu ngay cả sau khi quan hệ tình dục hay hắt xì hơi.
Bác sĩ Minh Đức giải thích, đau đầu khi gắng sức, thường được gọi là đau đầu do tập thể dục, liên quan đến cơn đau khi đang tập hoặc sau khi tập thể dục. Cơn đau thường kéo dài vài phút đến hai ngày. Cơn đau đầu sau gắng sức có thể là biểu hiện của một bệnh nguy hiểm hoặc không phải. Những người gặp tình trạng này chưa từng được đánh giá nên được bác sĩ khám cẩn thận.
Bác sĩ có thể xem xét hình ảnh não và mạch máu để loại trừ các bệnh lý như khối u não hoặc một tổn thương khác làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch tủy sống, xuất huyết dưới nhện, bóc tách động mạch và hội chứng co mạch não có hồi phục. Người bị đau đầu do tập thể dục, lại có các yếu tố nguy cơ tim mạch (như tiền sử đau tim, bệnh mạch vành, tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì hoặc hút thuốc) nên được đánh giá tình trạng tim mạch.
Đau đầu có thể xảy ra trong hoặc sau khi tập thể dục. Ảnh: Freepik
Đau đầu do gắng sức nguyên phát (không phải do bệnh lý) thường xảy ra ở cả hai bên đầu và theo nhịp đập; có thể kéo dài từ 5 phút đến 48 giờ, trong khoảng từ 3 đến 6 tháng. Cơn đau đầu này thường gặp khi thời tiết nóng hoặc ở vùng cao có nồng độ oxy trong không khí thấp. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra trong bất kỳ điều kiện thời tiết và độ cao.
Các triệu chứng bao gồm đau sau gáy, đau cổ, đau một hoặc cả hai bên đầu, đau nhói. Đôi khi cơn đau đầu được người bệnh mô tả là "cơn đau đầu tồi tệ nhất trong cuộc đời". Nó có thể giống chứng đau nửa đầu gây ảnh hưởng đến thị lực như có điểm mù, buồn nôn và ói mửa, nhạy cảm với ánh sáng.
Đau đầu do tập thể dục có thể xảy ra khi cơ thể đang cần nhiều máu và oxy hơn. Khi chúng ta hoạt động làm cho các tĩnh mạch và động mạch giãn nở, lưu lượng máu hoạt động nhiều hơn. Sự giãn nở cùng với huyết áp tăng lên dẫn đến tăng áp lực trong hộp sọ và gây ra cơn đau đầu. Ngoài ra, khi tập thể dục, cơ thể cũng tiết ra adrenaline và các chất hóa học khác khiến tim đập nhanh hơn, hơi thở tăng lên, từ đó, mạch và huyết áp cũng tăng theo, dẫn đến đau đầu.
Bệnh nhân có thể bị ít nhất hai cơn đau đầu xảy ra trong hoặc sau khi hoạt động thể chất, kéo dài dưới 48 giờ. Tuy nhiên, nếu các xét không tìm thấy nguyên nhân cơ bản, bác sĩ có thể chẩn đoán đau đầu khi gắng sức là nguyên phát, tức không do bệnh lý.
Nếu cơn đau đầu do gắng sức kéo dài quá 48 giờ, người bệnh cần đi khám bác sĩ. Ảnh: Freepik
Cách tốt nhất để ngăn ngừa là tránh các hoạt động gây ra đau đầu như tránh vận động ở nhiệt độ quá cao, quá nóng hoặc quá lạnh; không nên tập luyện thể thao ở độ cao mà chúng ta không quen. Người bệnh cũng nên uống nhiều nước; nghỉ ngơi đầy đủ mỗi ngày, ngủ đủ 8 tiếng; làm nóng và hạ nhiệt cơ thể đúng cách, tăng cường độ tập từ từ; đeo kính râm nếu trời sáng và mặc quần áo hút ẩm khi trời nóng. Chế độ ăn uống lành mạnh và tránh thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm có chất bảo quản... cũng có ích để phòng đau đầu.
Nếu tập thể dục ở cường độ mạnh gây ra đau đầu, bạn nên chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng như đạp xe, yoga, đi bộ nhanh... Khi có biểu hiện đau đầu dữ dội và đột ngột, kéo dài hơn hai ngày, cảm thấy buồn ngủ hoặc lú lẫn, ngất xỉu... bạn nên đi khám ở cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị tầm soát bệnh lý não bộ và hệ thần kinh để được điều trị sớm.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42