Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những căn bệnh phổ biến ở nước ta. Đây là một trong những bệnh lý về tiêu hóa với diễn biến thầm lặng, kéo dài và có thể tiến triển và để lại những tổn thương nghiệm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1.Tổng quan về trào ngược dạ dày thực quản
- 1.Tổng quan về trào ngược dạ dày thực quản
- 2.Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
- 3. Biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản
- 4. Ai dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản?
- 5. Biến chứng trào ngược dạ dày thực quản
- 6. Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
- 7. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- 8. Chế độ ăn uống lành mạnh phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược thực quản là hiện tượng có dịch và thức ăn trào lên thực quản, nó được coi là hiện tượng sinh lý bình thường nếu không gây ra triệu chứng hay biến chứng gì. Khi hiện tượng trào ngược gây ra các triệu chứng và/hoặc biến chứng ở thực quản thì được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Các triệu chứng điển hình là ợ nóng, ợ chua, trớ…
Đối với những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản nhẹ với các triệu chứng trào ngược không thường xuyên, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Bởi vậy, chế độ ăn uống và thay đổi lối sống là bước đầu tiên phổ biến nhất khi quyết định các lựa chọn điều trị.
2.Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
Cho đến nay người ta cũng chưa biết rõ nguyên nhân của bệnh. Các nguyên nhân hay đúng hơn là các yếu tố nguy cơ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.
Bình thường khi nuốt thức ăn, cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra và cho phép đồ uống, thức ăn đi xuống dạ dày. Sau đó đóng lại để ngăn dòng trào ngược, tuy nhiên trong trường hợp cơ này bị yếu hoặc đóng – mở bất thường sẽ dẫn đến trào ngược.
Nguyên nhân khác gây trào ngược gồm:
-Tại dạ dày là do tình trạng tăng tiết axit, ứ đọng thức ăn, chậm làm rỗng, tăng áp lực trong dạ dày hoặc ổ bụng.
- Giải phẫu thực quản: Thực quản quá ngắn, u thực quản, thoát vị hoành
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
-Túi acid: Túi acid được hình thành trong vòng 15 phút và kéo dài đến 90 phút sau ăn. Có thể nằm dưới cơ hoành hoặc trên cơ hoành, tồn tại ở người bị trào ngược dạ dày thực quản lâu hơn người bình thường. Túi acid được xem là một trong những nguyên nhân của acid trào ngược vào thực quản sau khi ăn.
-Do dùng thuốc như aspirin, thuốc NSAID và thuốc khác
-Do ăn uống nhiều rượu bia, nước có gas, hút thuốc lá.
-Do bị stress
-Yếu tố gene gia đình; mang thai
Ngoài dấu hiệu ợ nóng còn có các dấu hiệu nuốt nghẹn, nuốt đau, nuốt khó, buồn nôn, nôn, rối loạn giấc ngủ…khi mắc trào ngược dạ dày thực quản.
3. Biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản
Triệu chứng tại thực quản bao gồm những triệu chứng điển hình của bệnh là ợ nóng, ợ trớ .Ợ nóng, bệnh nhân có cảm giác nóng rát vùng ngực, lan từ xương ức lên cổ. Ợ trớ là sự tống tháo ngược dịch ứ đọng trong thực quản lên miệng.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu: đau ngực, nuốt nghẹn, nuốt đau, nuốt khó, buồn nôn, nôn, rối loạn giấc ngủ…vv
Triệu chứng ngoài thực quản với các biểu hiện không điển hình ngoài thực quản như: viêm thực quản, hen phế quản, viêm xoang, ho mạn tính, đau ngực không do tim, mòn men răng. Không có triệu chứng đặc hiệu, thường gặp đau vùng thượng vị khi ấn.
4. Ai dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất kỳ ai, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn . Tuy nhiên, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:
-Người bị thừa cân hoặc béo phì vì có thể tạo sức ép lên bụng;
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ do tử cung mở rộng sẽ làm chèn ép một số bộ phận tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng trào ngược;
- Người phải sử dụng một số thuốc nhất định, như thuốc trị hen suyễn, thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs;
- Người hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động do khói thuốc khi vào cơ thể qua đường thực quản sẽ làm kích thích niêm mạc dạ dày;
- Người bị thoát vị hoành, liệt dạ dày, hoặc bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì.
- Ngoài ra, người có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh như uống rượu bia, ăn nhiều đồ chua, ăn nhiều dầu mỡ, lười vận động, nằm liền sau ăn… cũng là những đối tượng có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày.
Căng thẳng hay stress do áp lực trong công việc và cuộc sống cũng là yếu tố thường gặp gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản đặc biệt ở người trẻ.
5. Biến chứng trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người bệnh khi không được điều trị đúng cách.
Các biến chứng thường gặp là:
- Viêm loét thực quản
- Hẹp thực quản
- Barrett thực quản
- Xuất huyết thực quản
- Rò thực quản
- Ung thư thực quản
6. Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Khi nghi ngờ các bác sĩ sẽ chỉ định khám và chẩn đoán bệnh bằng các phương pháp như: Nội soi, đo pH thực quản 24h; Chụp thực quản dạ dày có cản quang; Test Bernstein; Mô bệnh học,.. trong đó nội soi đánh giá niêm mạc dạ dày và những biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản như: viêm loét thực quản, Barret thực quản, xuất huyết thực quản, ung thư thực quản.
Nội soi thực quản dạ dày sẽ chỉ định khi người bệnh có thêm những dấu hiệu báo động sau:
- Tuổi trên 40;
- Nuốt khó nặng dần;
- Nuốt dau;
- Sụt cân không chủ ý;
- Thiếu máu mới xuất hiện;
- Nôn ra máu và/ hoặc đi cầu phân đen;
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày, ung thư thực quản;
- Sử dụng thuốc NSAIDS dài ngày hoặc có những biểu hiện bất thường nghi ngờ khác.
7. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Mục đích điều trị là làm giảm các triệu chứng của người bệnh, làm lành tổn thương tại thực quản, chống tái phát viêm thực quản và các biến chứng của bệnh.
Nguyên tắc cơ bản của điều trị là điều chỉnh lối sống, điều trị bằng thuốc và có thể phẫu thuật chống trào ngược. … Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định lựa chọn các phương pháp cho thích hợp.
Tuy nhiên, người bệnh cần thay đổi lối sống, bỏ các thói quen có thể thúc đẩy trào ngược dạ dày thực quản và khuyến khích người bệnh chọn thói quen mới để mang lại lợi ích lâu dài. Cụ thể người bệnh cần ăn chậm nhai kỹ. Đừng vội nằm ngay sau khi ăn. Tránh đồ ăn có tính kích thích. Duy trì cân nặng thích hợp. Hãy cố gắng bỏ thuốc lá. Thư giãn, giảm stress.
8. Chế độ ăn uống lành mạnh phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản
Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản phải ăn gì uống gì để giảm triệu chứng khó chịu gây ra do trào ngược acid? Theo khuyến cáo, lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, giúp hạn chế những tổn thương đối với người bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Ăn uống điều độ và lành mạnh cũng sẽ giúp kiểm soát được cân nặng, từ đó kiểm soát được tình trạng bệnh.
- Có nhiều nhóm thực phẩm có lợi cho người trào ngược dạ dày bao gồm:
- Bánh mỳ
- Các loại trái cây chứa ít acid như táo, lê, chuối.
- Các loại thực phẩm giầu đạm dễ tiêu: thịt thăn lợn, thịt ngan, thịt lưỡi lợn góp phần giúp trung hòa axit, hạn chế các triệu chứng của bệnh đối với người bị trào ngược dạ dày.
- Các loại cá được chế biến bằng cách nướng, hấp hoặc nấu canh.
- Những loại thực phẩm người trào ngược dạ dày nên tránh bao gồm:
- Nên tránh các thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ sẽ khiến cho dạ dày phải làm việc vất vả hơn để tiêu hóa, thời gian tiêu hóa thức ăn kéo dài sẽ tăng nguy cơ bị trào ngược.
- Bia, rượu và các thức uống có gas như nước ngọt sẽ làm trướng bụng và gây ra những tác động không tốt đối với cơ thắt dạ dày thực quản.
- Các món ăn, trái cây có vị chua sẽ gây ra những tác hại không tốt cho người bệnh.
Tóm lại: Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh mạn tính ngày càng thường gặp hơn ở các nước châu Á và có khuynh hướng gia tăng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do các triệu chứng mà còn có thể gây các biến chứng nặng như loét thực quản, hẹp thực quản và ung thư hóa .
Việc chẩn đoán và điều trị cần được xem xét, cân nhắc kỹ để đạt kết quả tốt nhất, cũng như tránh bỏ sót những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy khi có biểu hiện người bệnh cần tới cơ sở có chuyên khoa tiêu hóa để được khám và điều trị. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống góp phần cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, và giúp hạn chế khả năng mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa khác.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42