Sản phụ bị vỡ tử cung do nhau cài răng lược
Sản phụ ở Tuyên Quang thai 34 tuần, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, không thể nằm ngửa, tiền sử mổ đẻ cũ.
Ngày 4/7, sản phụ nhập viện Đa khoa Tuyên Quang, bác sĩ chẩn đoán bị vỡ tử cung do vết mổ đẻ cũ, nhau tiền đạo trung tâm - theo dõi nhau cài răng lược, chỉ định mổ cấp cứu.
Đây là ca bệnh rất nặng, nguy cơ chảy máu dẫn đến tử vong, bệnh viện chuẩn bị kỹ các phương án xử trí và lượng máu cần truyền. Sản phụ được chuyển đến khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để phẫu thuật cấp cứu. Bé trai nặng 2,1 kg chào đời được đưa đến phòng Đơn nguyên sơ sinh của Khoa Nhi để được chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Vương Ngọc Chắt, trưởng kíp mổ, cho biết đây là ca mổ khó vì mặt trước đoạn dưới tử cung có nhiều mạch máu tăng sinh, góc phải đoạn dưới tử cung gai nhau đâm xuyên thủng cơ tử cung gây chảy máu, phúc mạc thành bụng tăng sinh nhiều mạch máu. Kíp mổ đã hút ra khoảng 1.500 ml máu đỏ lẫn máu cục trong ổ bụng sản phụ, cắt tử cung bán phần khâu cầm máu, cắt một phần bàng quang có nhau thai bám vào và khâu phục hồi bàng quang. Trong mổ, sản phụ vừa được hồi sức tích cực, vừa được phẫu thuật, đồng thời truyền bổ sung 12 đơn vị máu.
Sản phụ hiện đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quan
Hiện tại, sau mổ một tuần, sức khỏe sản phụ đã ổn định, vết mổ khô, tiếp tục được điều trị, chăm sóc và theo dõi.
Bác sĩ cho biết, nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung của thai phụ. Mức độ nặng là tình trạng bánh nhau xuyên qua khỏi lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như bàng quang và ruột. Đây là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm đối với các sản phụ. Nếu không xử trí kịp thời, sẽ nguy kịch tính mạng cho mẹ và con.
Phụ nữ mang thai cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để khám thai định kỳ và tuần thủ đúng theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Siêu âm Doppler màu (hoặc Chụp cộng hưởng từ) để phát hiện nhau cài răng lược.
Tình trạng nhau cài răng lược thường gặp ở sản phụ có nhau tiền đạo, tiền sử vết mổ cũ ở tử cung (mổ đẻ, mổ bóc nhân xơ...), mang thai trên 35 tuổi, nạo hút thai nhiều lần... Nhau cài răng lược sẽ gây chảy máu sau đẻ, sau mổ, gai nhau đâm xuyên cơ tử cung gây thủng, vỡ tử cung, đâm xuyên vào các tạng xung quanh như bàng quang, ruột... có nguy cơ phải cắt tử cung để cầm máu. Khi thủng, vỡ tử cung, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé.
Thúy Quỳnh
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42