Nhận diện cơn đau bụng bình thường hoặc nguy hiểm ở phụ nữ mang thai
Đau bụng khi mang thai thường gây lo lắng. Có những cơn đau quặn bụng do những nguyên nhân rất bình thường. Nhưng đôi khi lại là dấu hiệu của những tình trạng cần chăm sóc y tế hoặc cấp cứu.
Một số cơn đau bụng khi mang thai rất bình thường, liên quan đến các nguyên nhân như: Táo bón, tăng lưu lượng máu đến tử cung trong ba tháng đầu, cơn co Braxton-Hicks, đau dây chằng tròn…. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, sẩy thai, tiền sản giật hoặc tình trạng khác cần được chăm sóc y tế. Dưới đây là cách nhận biết khi nào đau bụng có thể không có gì đáng lo ngại và khi nào chúng có thể báo hiệu điều nghiêm trọng hơn.
1. Một số lý do gây đau quặn bụng có thể xảy ra trong suốt thai kỳ
- Đau dạ dày
Khí và đầy hơi thường xuất hiện trong thai kỳ do nồng độ progesterone (một loại hormone làm thư giãn các cơ trong đường tiêu hóa của bạn) tăng cao. Kết quả là quá trình tiêu hóa chậm lại, dẫn đến đầy hơi cũng như táo bón - cả hai đều có thể mang lại cảm giác đau quặn trong bụng bạn.
Bạn có thể ngăn ngừa các vấn đề về đường tiêu hóa bằng cách ăn thực phẩm giàu chất xơ; ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ăn nhiều trong bữa chính; dành thời gian để ăn chậm, nhai kỹ; và uống nhiều nước. Nếu những biện pháp này không hữu ích, có thể dùng các thuốc hạn chế táo bón do bác sĩ tư vấn, kê đơn.
Đầy hơi, táo bón có thể dẫn tới những cơn đau quặn bụng ở phụ nữ mang thai
- Đau bụng khi cực khoái
Đau bụng trong và sau khi đạt cực khoái (đôi khi kết hợp với đau lưng dưới) là phổ biến và vô hại trong thai kỳ có nguy cơ thấp và hoàn toàn không phải là lý do để bạn ngừng tận hưởng tình dục. Hiện tượng này là do tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu hoặc co bóp tử cung bình thường khi đạt cực khoái.
- Dồn máu đến tử cung
Khi mang thai, cơ thể bạn gửi nhiều máu hơn bình thường đến tử cung của bạn, điều này có thể dẫn đến cảm giác áp lực trong khu vực. Hãy nằm xuống để nghỉ ngơi hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm có thể giúp giảm những cơn đau này.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể không có triệu chứng, nhưng thường nó gây đau hoặc áp lực ở vùng chậu. Các triệu chứng khác bao gồm nước tiểu có mùi hôi, vẩn đục hoặc có máu; đau và rát khi đi tiểu; sốt; nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn. Nhiễm trùng đường tiểu có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Tuy nhiên, một đợt kháng sinh ngắn thường cải thiện rất tốt tình trạng này.
2. Đau bụng trong quý 1 và 2 của thai kỳ
Rất sớm trong thai kỳ của bạn (có thể trước cả khi bạn thấy chậm kinh), bạn có thể bị đau bụng giống như trong khoảng thời gian đến kỳ kinh nguyệt. Đau nhẹ và ra máu âm đạo ít là kết quả của trứng được thụ tinh gắn vào thành tử cung, xảy ra khoảng 8 -10 ngày sau khi rụng trứng và chỉ kéo dài một ngày hoặc lâu hơn.
- Thai ngoài tử cung
Trứng đã thụ tinh làm tổ ngoài tử cung, thường là vòi tử cung, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đau bụng không mất đi và trở nên tồi tệ hơn. Thai ngoài tử cung cũng thường gây chảy máu âm đạo, đau vai, chóng mặt và ngất xỉu. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể gặp nguy cơ thai ngoài tử cung, hãy đi khám bác sĩ ngay.
- Sẩy thai và dọa sẩy thai
Đau quặn bụng có thể có nguyên nhân là dọa sẩy thai và sẩy thai, thường xảy ra đau bụng dưới, lưng và / hoặc vùng chậu và kèm theo chảy máu. Hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra trong quý 1 của thai kỳ, mặc dù chúng cũng có thể xảy ra trong quý 2. Đôi khi có thể khó biết được cơn đau của bạn là sảy thai hay do sự làm tổ của thai, vì vậy triệu chứng sẩy thai quan trọng nhất cần chú ý là chảy máu. Không giống như trong quá trình làm tổ, đau bụng trong sảy thai thường đi kèm với chảy máu kéo dài trong vài ngày và thường nặng hơn theo thời gian. Nếu bạn lo lắng, hãy gọi cho bác sỹ của bạn và lên lịch kiểm tra.
3. Đau bụng ở quý 2 và 3 của thai kỳ
- Đau dây chằng tròn
Dây chằng tròn là hai dải mô liên kết nằm ở hai bên tử cung. Chúng thực hiện chức năng kết nối tử cung với khu vực háng và mu của phụ nữ.
Khi tử cung phát triển, dây chằng tròn căng ra, đôi khi gây đau ở bên bụng có thể tỏa ra hông hoặc háng. Đau dây chằng tròn thường bắt đầu trong quý 2 thai kỳ và thường được cảm nhận ở một bên ( đôi khi cả hai). Cảm giác đau thường xảy ra trong khi tập thể dục, sau khi bạn ra khỏi giường, hắt hơi, ho, cười hoặc khi bạn thực hiện một động tác đột ngột; cảm giác có thể kéo dài từ vài giây cho đến vài phút. Để giảm đau, hãy nghỉ ngơi nhiều hơn và cố gắng thay đổi vị trí từ từ.
- Cơn co Braxton Hicks
Những cơn co thắt này có thể bắt đầu vào khoảng 20 tuần của thai kỳ. Các cơn co thắt Braxton Hicks tương đối ngắn (chỉ vài giây) và không đều. Hãy đảm bảo bạn uống đủ nước (biểu hiện ở nước tiểu của bạn có màu vàng nhạt hoặc không màu), vì mất nước có thể gây ra các cơn co thắt Braxton Hicks. Khi bạn thay đổi vị trí - ngồi hoặc nằm nếu bạn đang đứng (và ngược lại), cơn đau sẽ giảm dần.
- Rau bong non
Nếu rau thai tách (một phần hoặc hoàn toàn) khỏi tử cung trước khi em bé chào đời, có thể gây đau bụng dữ dội và dai dẳng cũng như đau lưng và chảy máu âm đạo. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, điều quan trọng là phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Tiền sản giật
Tiền sản giật- Một tình trạng thường phát triển trong nửa sau của thai kỳ và đặc trưng bởi huyết áp cao và protein trong nước tiểu - Có thể gây đau bụng. Nó thường đi kèm với các triệu chứng khác bao gồm đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực, buồn nôn hoặc nôn, sưng ở mặt và tay, khó thở. Tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến lượng oxy và dinh dưỡng chảy vào em bé, và nó làm tăng nguy cơ bị bong rau thai, vì vậy điều quan trọng là phải gặp bác sĩ ngay nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên.
- Cơn đau bụng chuyển dạ
Các cơn co chuyển dạ gây ra đau bụng diễn ra đều đặn, kéo dài từ 30-70 giây và mau hơn, mạnh mẽ hơn theo thời gian. Bạn có thể được xác định là chuyển dạ nếu:
- Có cơn co thắt đều đặn cứ sau 10 phút (hoặc sớm hơn) mà không biến mất khi bạn thay đổi vị trí
- Bạn có thể cảm thấy áp lực ở vùng xương chậu (như em bé của bạn đang đẩy xuống)
- Có sự thay đổi trong dịch tiết âm đạo (rò rỉ dịch hoặc chảy máu)
- Bạn có thể gặp phải chuyển dạ sinh non nếu các triệu chứng này xảy ra trước 37 tuần.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang chuyển dạ (dù chắc chắn hay không chắc chắn ), hãy liên hệ với bác sĩ của bạn hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.
Đau quặn bụng có thể có nguyên nhân dọa sẩy thai. Ảnh minh họa
4. Khi nào cần gọi bác sĩ
Hãy liên lạc với bác sĩ của bạn nếu bị đau quặn bụng kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Ra máu thấm băng vệ sinh hoặc chảy máu (có thể có hoặc không kèm theo đau quặn bụng)
- Đau đầu dữ dội
- Thay đổi thị lực (bao gồm mờ mắt, nhìn thấy đèn hoặc đốm sáng, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mù tạm thời)
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó hoặc có máu trong nước tiểu
- Chóng mặt hoặc cảm thấy ngất xỉu
- Hơn bốn cơn co thắt trong một giờ, vì đây có thể là dấu hiệu chuyển dạ (và đặc biệt nếu xảy ra trước 37 tuần mang thai, vì đây có thể là dấu hiệu của sinh non)
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42