Khi trời nắng nóng, độ ẩm không khí tăng cao, ảnh hưởng rất nhiều đến toàn bộ hoạt động của cơ thể.
Nhiệt độ của cơ thể hoạt động tốt nhất ở mức 36 - 37,5oC và thoát nhiệt bằng cách toát mồ hôi. Khi môi trường quá nóng hoặc quá ẩm, cơ thể sẽ đổ mồ hôi, tăng nguy cơ mất nước.
Nếu nhiệt độ quá cao, cơ thể sẽ cố gắng làm mát, mất một lượng nước lớn dẫn đến kiệt sức hoặc say nắng. Nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, sự tác động của nhiệt độ lên cơ thể còn phụ thuộc vào thể trạng và sức khỏe của từng người. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và những người mắc bệnh về hô hấp sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi nhiệt độ thay đổi.
Trong các cơ quan của cơ thể, ngoài hệ thần kinh trung ương và hệ thống thần kinh thực vật thì hệ tim mạch trong đó có trái tim là cơ quan nhạy cảm nhất với những sự thay đổi của nhiệt độ. Khi nhiệt độ tăng hay giảm nhiều, nhịp tim sẽ tăng do cơ chế thần kinh và nội tiết nhằm tăng cường khả năng thoát nhiệt bằng cách tăng tiết mồ hôi hay làm ấm cơ thể bằng cách tăng cường máu ra ngoại vi.
Đối với người bình thường việc tăng cường hoạt động của tim mạch là chuyện có thể cân bằng được. Tuy nhiên ở những người già, trẻ em và những người có bệnh tim, bệnh mạn tính… thì sự cố gắng này của hệ thống tim mạch sẽ dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng đưa đến suy tim cấp, trụy tuần hoàn và dẫn đến tử vong.
Nên ở nhà vào những ngày nắng nóng, tránh đi ra ngoài đường khi nhiệt độ ngoài trời trên 35oC. Cần phải thay đổi giờ làm việc nhất là đối với những người lào động trực tiếp ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, công nhân ngành giao thông vận tải. Ở các nước Trung Đông do nắng nóng đến trên 40oC nên công nhân xây dựng làm việc từ 4 giờ sáng đến 8 giờ họ nghỉ việc và chiều làm từ 5 giờ đến 8 giờ tối.
Mặc quần áo rộng và che kín các bộ phận của cơ thể khi đi ra ngoài đường. Chúng ta đừng lấy làm lạ là ở các nước Trung Đông mọi người mặc quần ào rất rộng và che kín người, tưởng rằng như thế là quá nóng nhưng không phải, chính quần áo và lớp không khí đệm giữa cơ thể và quần áo sẽ là lớp cách nhiệt rất tốt giúp cơ thể thích nghi với khí hậu nắng nóng vùng sa mạc.
Với những người già và người mắc bệnh tim mạch, bệnh mạn tính cần phải đến bác sĩ gia đình hay bác sĩ chuyên khoa để khám kiểm tra sức khỏe và điều trị ngay những biểu hiện mắc bệnh hay khi bệnh cũ trở nặng.
TS BS Nguyễn Hoài Nam