Lượng đường trong máu có thể là chìa khóa để bảo vệ não bộ sau đột quỵ
Lượng đường trong máu cao hơn có thể dẫn đến mất năng lực não bộ nhanh hơn sau đột quỵ, kết quả nghiên cứu mới trên Tạp chí JAMA Network Open cho hay.
Tác giả nghiên cứu, GS.TS Deborah Levine tại Trường đại học y Michigan (Mỹ) cho biết: "Đột quỵ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ của bệnh nhân lên tới 50 lần, nhưng chúng ta đang thiếu một phương pháp điều trị toàn diện để có thể giúp giảm nguy cơ này, ngoài việc ngăn ngừa cơn đột quỵ thứ hai".
"Kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng lượng đường trong máu tích lũy cao hơn sau đột quỵ góp phần làm suy giảm nhận thức diễn ra nhanh hơn và tăng đường huyết sau đột quỵ, bất kể tình trạng bệnh đái tháo đường ra sao, có thể là mục tiêu điều trị tiềm năng để bảo vệ khả năng nhận thức sau đột quỵ" – Tiến sĩ Levine cho biết thêm.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu STROKE COG, tổng hợp dữ liệu từ 4 nghiên cứu dài hạn ở Mỹ. Nghiên cứu mới đã xem xét gần 1.000 người được đo chức năng não và xét nghiệm máu trong nhiều năm trước và sau khi họ bị đột quỵ.
Lượng đường trong máu tích lũy cao hơn sau đột quỵ góp phần làm suy giảm nhận thức diễn ra nhanh hơn.
Theo kết quả nghiên cứu, những người sống sót sau đột quỵ có lượng đường trong máu cao bị suy giảm nhanh khả năng tư duy chung. Tuy nhiên, lượng đường trong máu cao không ảnh hưởng đến chức năng điều hành (khả năng ra quyết định phức tạp) hoặc trí nhớ.
Nhóm nghiên cứu cũng đã tính đến các yếu tố có thể liên quan như tuổi tác, thu nhập, trình độ học vấn và việc sử dụng thuốc điều trị huyết áp cao, nồng độ cholesterol và đường trong máu. Các phép đo lượng đường trong máu sau đột quỵ được thực hiện trung bình 2 năm sau lần đột quỵ đầu tiên của bệnh nhân. Khoảng 20% số đối tượng nghiên cứu đã dùng thuốc điều trị đái tháo đường trước khi bị đột quỵ.
Các nhà khoa học cho rằng, cần nghiên cứu thêm để đánh giá xem việc kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu ở người sống sót sau đột quỵ có giúp làm giảm tình trạng suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ sau đột quỵ ở những người mắc và không mắc bệnh đái tháo đường hay không."Việc kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường đã được biết có thể giúp làm giảm các biến chứng mạch máu nhỏ ở mắt, thận và dây thần kinh. Vì vậy, nó cũng có thể giúp làm giảm bệnh mạch máu nhỏ trong não, mặc dù điều này chưa được chứng minh" - nhóm nghiên cứu thông tin.
Theo các chuyên gia, những người sống sót sau đột quỵ nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa để xác định biện pháp tốt nhất giúp kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu. Điều này đặc biệt đúng nếu họ bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Ngoài ra, lượng đường trong máu rất thấp ở người lớn tuổi cũng là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến sa sút trí tuệ và nên tránh.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42