Một nghiên cứu mới cho thấy có mối liên hệ giữa hội chứng “trái tim tan vỡ” và bệnh ung thư.
Thậm chí, những người trải qua hội chứng “trái tim tan vỡ” ít có khả năng sống sót sau 5 năm được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, theo HealthDay.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, hội chứng “trái tim tan vỡ” (hay còn gọi là hội chứng Takotsubo) gây ra cơn đau thắt ngực dữ dội đột ngột, khó thở, ngất, thậm chí ngưng tim, ngưng thở và dễ bị nhầm lẫn với nhồi máu cơ tim. Hội chứng có thể xảy ra với một người khi họ gặp phải chấn động tâm lý, trải qua sự kiện đau buồn, với cảm xúc mãnh liệt, như mất người thân, chia tay hoặc ly hôn, biến cố về tài chính…
Nghiên cứu được thực hiện với hơn 1.600 người mắc hội chứng Takotsubo, tại 26 trung tâm y tế ở 9 quốc gia khác nhau (bao gồm 8 quốc gia châu Âu và Mỹ). Tỷ lệ mắc ung thư ở những người bị hội chứng này cao hơn nhiều so với tỷ lệ mắc ung thư trung bình, ở cả nam và nữ cũng như với tất cả các nhóm tuổi.
Ví dụ: Ở phụ nữ từ 44 tuổi trở xuống, tỷ lệ mắc ung thư trung bình là 0,4% thì đối với những người mắc hội chứng Takotsubo, tỷ lệ đó lên đến 8%. Ở nam giới 45 - 64 tuổi, tỷ lệ mắc ung thư trung bình là 2% nhưng ở những người mắc hội chứng Takotsubo, tỷ lệ là 22%.
Trong đó, loại ung thư phổ biến nhất là ung thư vú. Các bệnh ung thư khác bị ảnh hưởng bao gồm tiêu hóa, hô hấp, cơ quan sinh dục trong và da.
Ngược lại, nghiên cứu cũng phát hiện những người bị ung thư có nguy cơ bị hội chứng “trái tim tan vỡ” cao hơn.
“Có vẻ như có một sự tương tác mạnh mẽ giữa hội chứng Takotsubo và khối u ác tính”, tiến sĩ Christian Templin, Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sĩ), tác giả nghiên cứu, cho biết. Tuy nhiên, nghiên cứu không chứng minh rằng cái này gây ra cái kia.
Tác giả cho rằng, điều quan trọng là nghiên cứu khuyến cáo giới y khoa nhận thức được mối liên hệ giữa hội chứng “trái tim tan vỡ” và ung thư, bệnh nhân mắc hội chứng này nên được tham gia sàng lọc ung thư và ngược lại để cải thiện khả năng sống.
Phát hiện được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
Khải Linh