Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em, những lưu ý khi dùng kháng sinh
Viêm tai giữa cấp tính là một vấn đề thường gặp ở trẻ em. Trước đây, tất cả trẻ bị viêm tai giữa đều được kê thuốc kháng sinh để trị bệnh. Tuy nhiên, cách chữa trị này đã không còn phù hợp với khuyến cáo hiện nay. Vậy khi nào cần dùng kháng sinh?
1.Về bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa, thường gặp nhất ở lứa tuổi nhỏ. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa nhưng phổ biến nhất là bị cảm vì trẻ tiếp xúc liên tục với nhiều loại virus khác nhau, dẫn đến biến chứng viêm tai giữa.
Ngoài ra, trong gia đình có người hút thuốc lá, trẻ hít phải khói thuốc khiến cho hệ thống đường hô hấp bị phù nề, làm tắc ống thông, gây viêm tai giữa.
Viêm tai giữa gây đau nhức tai. Trẻ bị viêm tai giữa có thể có một số triệu chứng không đặc hiệu như sốt (trên 38 độ C), nôn, tiêu chảy, ăn kém, ngủ không yên giấc, quấy khóc…
Viêm tai giữa thường xuất hiện sau nhiễm trùng đường hô hấp do virus, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.
2. Có nên dùng kháng sinh ngay trong điều trị viêm tai giữa
Trước đây, phương thức chữa trị viêm tai giữa là sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, viêm tai giữa có thể do virus gây ra, bệnh có thể tự khỏi sau 2 - 3 ngày mà không cần dùng kháng sinh. Do đó, hiện nay, khuyến cáo điều trị cho trẻ bị viêm tai giữa là trì hoãn kháng sinh. Nghĩa là, nếu trẻ bị viêm tai giữa, có thể lựa chọn giữa hai phương thức điều trị:
- Điều trị kháng sinh ngay lập tức.
- Trì hoãn sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh nếu các triệu chứng xấu đi hoặc không cải thiện sau 48 - 72 giờ (áp dụng với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên).
Việc lựa chọn cách thức điều trị nào phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, mức độ nặng nhẹ của bệnh… Nếu trẻ ở xa, không có điều kiện được theo dõi lại thì tùy vào tình huống để lựa chọn cách thức điều trị phù hợp.
Nếu trẻ có điều kiện để khám lại, cha mẹ trẻ cũng muốn tiếp tục theo dõi, trẻ cũng không có triệu chứng nặng, có thể trì hoãn sử dụng kháng sinh. Trong thời gian đó, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm triệu chứng đau (thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen). Hầu hết trẻ bị viêm tai giữa đều tự khỏi sau 2 - 3 ngày. Nếu sau 2 - 3 ngày mà không thấy khỏi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám lại.
Lưu ý, những trường hợp sau đây cần dùng kháng sinh để trị viêm tai giữa:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi bị viêm tai giữa cấp cả hai bên tai.
- Trẻ bị viêm tai giữa nặng với biểu hiện đau nhức kéo dài hơn 48 giờ hoặc sốt trên 39°C.
3. Lựa chọn kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa ở trẻ em
Amoxicillin là thuốc được lựa chọn để điều trị ban đầu cho trẻ viêm tai giữa trong trường hợp không có dị ứng. Nếu trẻ có dùng kháng sinh nhóm beta-lactam trong vòng 30 ngày qua, có viêm kết mạc mủ kèm theo hoặc có tiền sử viêm tai giữa tái phát, có thể dùng amoxicillin-clavulanate.
Trường hợp trẻ bị dị ứng với amoxicillin hoặc penicillin, cân nhắc sử dụng cephalosporin hoặc macrolide.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh
Khi trẻ được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, cần lưu ý:
Thời gian điều trị kháng sinh có thể kéo dài từ 5 ngày, 7 ngày hoặc 10 ngày tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Vì vậy, cần tuân thủ liều lượng thuốc bác sĩ đã chỉ định. Cha mẹ không được tự ý ngưng sử dụng thuốc giữa chừng khiến tình trạng viêm tai giữa dai dẳng và kéo dài.
Một số tác dụng phụ của kháng sinh như phát ban, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, trong đó tiêu chảy là phổ biến nhất. Có thể bổ sung men vi sinh cho trẻ sau khi uống kháng sinh 2 giờ. Nếu trẻ bị tiêu chảy nặng, cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn và đổi thuốc.
5. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Những trường hợp sau cần đưa trẻ đi khám ngay:
- Trẻ đau tai tăng lên.
- Sốt cao liên tục dù đã dùng thuốc hạ sốt và chườm ấm.
- Trẻ rất quấy, bỏ ăn, bỏ bú.
- Trẻ nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày.
- Các dấu hiệu bệnh của trẻ không cải thiện sau 2 ngày điều trị.
6.Các cách phòng ngừa viêm tai giữa
- Khói thuốc lá là "kẻ thù số 1" của viêm tai giữa. Vì vậy, để phòng ngừa viêm tai giữa, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là hạn chế để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Không nên cho trẻ ngậm núm vú giả, tích cực cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt.
- Một trong những lý do khiến trẻ bị viêm tai giữa là do bị cúm hoặc nhiễm phế cầu. Do đó cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm vaccine cúm mỗi năm một lần và vaccine ngừa phế cầu càng sớm càng tốt (từ 6 tuần tuổi) nhằm giảm nguy cơ viêm tai giữa.
Ngoài ra, cần phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ bằng cách giữ ấm khi trời trở lạnh và thường xuyên vệ sinh tay cũng như đồ chơi của trẻ để giảm nguy cơ cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác, nhờ đó giảm nguy cơ viêm tai giữa.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42