Chủ quan ong đốt, người đàn ông bị suy thận
Người đàn ông bị ong đốt hơn 40 nốt, được chuyển vào viện trong tình trạng đi tiểu ra máu do suy thận.
Ths.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, bị ong đốt là một trong những tai nạn thường gặp nên rất nhiều người chủ quan. Trong khi đây là loại nọc độc nguy hiểm, không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.
Mới nhất, khoa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đức Q., 40 tuổi, trú tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ bị ong bò vẽ đốt hơn 40 nốt khắp vùng đầu, mặt, cổ, gáy, lưng.
Ban đầu người bệnh tự điều trị tại nhà, khi tiểu ra máu, sưng nề nhiều, đau nhiều tại các vị trí đốt mới vào viện.
Các vết ong chích chi chít trên người bệnh nhân
Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng: Suy thận (Ure 21 mmol/l; cremin 212 µmol/l), tiêu cơ vân, tan máu…
Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị tích cực, bù dịch, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, truyền dịch, dùng thuốc lợi tiểu, corticoid chống viên, thuốc kháng histamin, lọc máu 5 lần.
Sau khoảng 10 ngày điều trị, tình trạng người bệnh đã tiến triển tốt, đã được ra viện, song vẫn cần duy trì thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp, hẹn khám định kì.
Theo BS Vân, trong các loại ong, nguy hiểm nhất là ong vò vẽ và bắp cày. Nốt đốt càng nhiều, càng gần vị trí đầu, cổ, ngực sẽ càng nhiễm độc nặng.
Nọc độc của ong có thành phần chính là protein, ngay khi đốt sẽ gây tổn thương tại vị trí đốt gây đau và hoại tử tại chỗ, sau đó xâm nhập vào máu gây vỡ hồng cầu, nhẹ sẽ đau, buốt, sưng nề tại chỗ, nặng gây ra dị ứng, sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp, tổn thương cơ, suy thận, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.
Nếu bệnh nhân bị đốt nhiều nốt có thể bị tổn thương cơ tim, suy tim, chảy máy phổi, suy hô hấp, rối loạn ý thức, suy thận, suy đa tạng thậm chí tử vong.
Khi bị ong đốt, nhiều người dân thường chườm đá, bôi vôi, bôi hồ nước, kem đánh răng... Tuy nhiên chỉ có tác dụng làm dịu vết đốt, không có giá trị sơ cứu do nọc độc vẫn còn nguyên.
Cách sơ cứu đúng là là dùng dụng cụ được sát trùng lấy vòi chích của ong ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra các vùng lân cận.
Kế đó rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt 2 lần/ngày.
Đặc biệt người bị ong đốt cần uống nhiều nước hơn bình thường, việc đi tiểu nhiều giúp thải chất độc ra ngoài.
BS khuyến cáo, nếu bệnh nhân bị đốt từ 5-10 nốt trở lên, cần phải nhập viện càng sớm, càng tốt. Nếu sơ cứu đúng cách và sớm bằng cách truyền nhiều dịch, bệnh nhân có thể chỉ phải nằm viện 1-2 ngày.
Người dân tuyệt đối không chọc phá tổ ong, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà tránh ong làm tổ. Khi đi vào rừng, đi dã ngoại không nên mặc quần áo màu sặc sỡ và quá rộng, không đi chân đất, không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong.
Khi thấy ong không chạy, phải đứng hoặc ngồi im. Khi phải tiếp xúc với ong nên mang đủ trang bị phòng tránh như quần áo dày, mũ trùm đầu, kính... để đề phòng bị ong đốt.
Thúy Hạnh
Link nguồn:
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/chu-quan-ong-dot-nguoi-dan-ong-bi-suy-than-674169.html
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- Người mắc tiểu đường type 2 có nguy hiểm?
11/06/2024 - 14:54:24
- 7 món ngon ngày Tết người tiểu đường nên hạn chế
05/02/2024 - 10:08:55
- Điều gì xảy ra khi tăng và hạ đường huyết?
04/01/2024 - 15:06:31
- Bác sĩ cảnh báo biến chứng mạn tính nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường
21/06/2023 - 10:31:04
- Triệu chứng cảnh báo cơ thể không dung nạp glucose
22/02/2023 - 09:47:22
- Vì sao bị viêm tuyến giáp? Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?
20/02/2023 - 10:25:02