Cắt bỏ quả thận 'dư' cho người phụ nữ có 3 quả thận
Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ (Đồng Nai) cho biết, đến ngày 26/5, tình trạng sức khỏe của chị Nguyễn Thị Như T (sinh năm 1982, ngụ tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bị dị tật có 3 quả thận, phải cắt bỏ quả thận phụ cùng niệu quản đã ổn định và dần hồi phục. Hiện tại, chị đã hết đau và đã được xuất viện.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Như T được bác sĩ kiểm tra tình hình sức khỏe trước khi xuất viện.
Trước đó, ngày 20/5, chị Nguyễn Thị Như T. nhập viện trong tình trạng đau hông bên trái, đau âm ỉ dài ngày. Người nhà bệnh nhân cho biết, chị đã từng đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán bị nang thận.
Qua kiểm tra, kết hợp với kết quả siêu âm, chụp CT, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có 1 quả thận phải và thận đôi bên trái cùng niệu quản. Nhiều năm nay, quả thận chính đã phải cung cấp máu nuôi cho thận phụ này. Do đó các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ quả thận phụ cùng niệu quản.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi trong 2 tiếng để cắt thận phụ bên trái và niệu quản dư. Các bác sĩ chỉ mổ 1 đường mổ nhỏ, bệnh nhân ít mất máu. Quá trình bóc tách bằng nội soi ít gây tổn thương các cơ quan kế cận. Trường hợp này mổ nội soi rút ngắn so với mổ hở từ 5 - 7 ngày nằm viện. Nếu mổ hở, bác sĩ phải tạo 2 đường mổ dài, 15 cm ở ổ bụng và 1 vết mổ ở vùng chậu khoảng 8 cm để cắt sát niệu quản, tránh tạo thành nang niệu quản, nhiễm khuẩn sau này. Ngoài ra, các bác sĩ còn phải bóc tách vào các cơ quan khác mới tiếp cận được quả thận phụ để cắt.
Bác sĩ Bùi Khắc Thái, khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ cho biết, bệnh nhân có 1 thận phụ, thận này đổ thấp xuống cổ bàng quang, do các cơ ở đó khỏe nên đã thắt miệng lại, làm ứ nước trong thận phụ đó. Thận phụ được nuôi dưỡng từ máu của thận chính nên cả 2 thận không thể hoạt động bình thường được, gây giảm chức năng thận dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu từ quả thận phụ.
Bác sĩ Bùi Khắc Thái cho biết thêm, cái khó của ca bệnh này là việc cắt thận phụ không được gây chảy máu ở thận chính và không bị cắt nhầm cả quả thận chính. Trường hợp này nếu bệnh nhân không mổ cắt bỏ thận phụ thì sẽ bị viêm thận phụ cấp tính, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, máu, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân, nên đi khám tầm soát bệnh thường xuyên, đặc biệt khi có những triệu chứng đau hông, đau âm ỉ lâu ngày, nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42