Cảnh giác với bệnh thận ở người đái tháo đường
Trước đây, bệnh đái tháo đường thường phát hiện muộn, việc điều trị cũng chưa tốt nên người bệnh có nhiều biến chứng trong đó có bệnh thận. Biến chứng thận của bệnh đái tháo đường gồm biến chứng ở cầu thận (bệnh thận đái tháo đường), bệnh lý xơ vữa mạch máu ở thận, bệnh lý nhiễm trùng ở thận và đường niệu…
1. Tổng quan bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường
Ngày nay, nhờ những tiến bộ của y học cũng như trình độ hiểu biết của người bệnh được nâng cao, việc chẩn đoán và điều trị đái tháo đường đã được cải thiện rõ rệt, tuổi thọ của người bệnh kéo dài hơn. Lúc này biến chứng tại thận xuất hiện ngày càng tăng và là một trong những hậu quả xấu nhất của đái tháo đường.
Bệnh thận đái tháo đường là một trong các biến chứng mạn tính gây tổn thương mạch máu nhỏ của đái tháo đường, bên cạnh biến chứng võng mạc, và biến chứng thần kinh ngọai biên và thần kinh thực vật.
Bệnh thận do đái tháo đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn (STM) giai đoạn cuối tại các nước như Mỹ, Châu Âu và ngay cả các nước Châu Á, như Đài Loan, Nhật, với tỷ lệ thay đổi từ 24-45% bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.
2. Nguyên nhân và yếu tố tổn thương thận ở bệnh nhân đái tháo đường
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị suy thận.
Tổn thương thận do đái tháo đường nằm trong nhóm biến chứng mạch máu nhỏ của đái tháo đường. Những yếu tố liên quan đến bệnh sinh của tổn thương thận là:
- Tăng đường huyết: Tăng đường huyết là điều kiện cần thiết, tuy không phải là duy nhất để cho tổn thương thận phát triển, tổn tại và tiến triển. Ổn định đường huyết làm chậm xuất hiện tổn thương thận ở bệnh nhân đái tháo đường, làm cải thiện và ngăn ngừa tiến triển của tổn thương thận đến xơ hóa cầu thận. Sau khi ghép tụy ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, với đường huyết ổn định trong 10 năm, các tổn thương thận do đái tháo đường cũng hồi phục.
- Tăng lọc cầu thận (glomerular hyperfiltration) ở bệnh nhân đái tháo đường, trực tiếp làm tăng lắng đọng các chất ở vùng ngoài tế bào, qua cơ chế tăng bộc lộ TGF-β, gây căng dãn tế bào trung mô, tăng hoạt hệ renin-angiotensin, và hệ thống protein kinase C.
- Tăng huyết áp thúc đẩy tiến triển bệnh thận do đái tháo đường, ngược lại, kiểm soát tốt huyết áp làm giảm tiến triển đến tiểu albumine và từ tỉểu albumine vi lượng thành đại lượng.
- Di truyền: Trong nghiên cứu ở nhóm người Pima Indian mà cả 2 thể hệ kế tiếp nhau (cha mẹ và con) đều bị đái tháo đường, nguy cơ của con đái tháo đường bị tiểu protein là 14% nếu cha hoặc mẹ không tiểu protein, 23% nếu cha hoặc mẹ của bệnh nhân bị tiểu protein, và nguy cơ này sẽ tăng lên 46% khi cả cha và mẹ đều bị tiểu protein. Bệnh nhân đái tháo đường trong gia đình có tiền căn tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch, sẽ tăng nguy cơ bệnh thận đối với bệnh nhân đái tháo đường.
3. Biểu hiện bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường
Biểu hiện của bệnh thận ở bệnh nhân mắc đái tháo đường thường không rõ ràng. Thời gian đầu, thận vẫn còn khả năng tăng cường hoạt động để bù trừ cho các mao mạch bị tổn thương. Vì vậy chức năng thận vẫn bình thường, bệnh nhân không có biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên khi số mao mạch bị tổn thương tăng lên, thận dù hoạt động mạnh hơn nhưng vẫn không bù trừ được và các triệu chứng của suy thận sẽ xuất hiện.
Các biểu hiện của suy thận giai đoạn đầu thường không đặc hiệu ví dụ phù, mất ngủ, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi và giảm trí nhớ, tăng huyết áp.
Tăng huyết áp có thể là một biểu hiện của suy thận nhưng cũng có thể tăng huyết áp đã có từ trước (thường ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2) và nó thúc đẩy biến chứng thận do đái tháo đường nặng thêm.
Khi bệnh nhân bị tổn thương cấu trúc thận nặng gây mất quá nhiều protein ra nước tiểu, lượng protein trong máu quá thấp không thể giữ dịch ở lại trong lòng mạch máu, dẫn tới dịch bị thoát ra ngoài làm bệnh nhân bị phù rất to toàn thân, có cổ chướng và có thể tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim... gọi là hội chứng thận hư. Bệnh nhân bị hội chứng thận hư này cũng dễ tiến triển đến suy thận nặng.
Thời gian có biến chứng thận thường gặp ở người liên quan đến bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 . Thời gian mắc bệnh đái tháo đường kéo dài sau 5 năm khi được chẩn đoán đái tháo đường type 1, hoặc vào thời điểm phát hiện đái tháo đường type 2. Thời gian dễ mắc bệnh thận đái tháo đường nhất là sau 10-20 năm mắc bệnh đái tháo đường.
Biến chứng thận khiến bệnh nhân có biểu hiện phù, thời gian phù, mức độ phù dựa vào kết quả của xét nghiệm nước tiểu định kỳ gần đây (albumine niệu cơ bản trong những tháng gần đây, sự gia tăng dần của albumine niệu từ vi lượng thành đại lượng, từ tiểu đạm ít, trung bình sang nhiều..)
4. Bệnh thận ở người bệnh đái tháo đường xảy ra như thế nào?
Ở bệnh nhân bệnh đái tháo đường type 1 nếu không điều trị tốt, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến thận. Bệnh có thể diễn tiến qua 5 giai đoạn.
- Giai đoạn 1: đường huyết tăng cao, lượng máu đến thận tăng. Thận tăng kích thước.
- Giai đoạn 2: chưa có triệu chứng rõ trên lâm sàng. Bắt đầu có những thay đổi mô học ở cầu thận.
- Giai đoạn 3: tiểu albumin (dân gian thường gọi albumin là lòng trắng trứng). Đây là dấu chỉ điểm bệnh thận diễn tiến nặng hơn. Nếu không điều trị, khoảng 20-40% sẽ tiến đến bệnh thận rõ trên lâm sàng
- Giai đoạn 4: bệnh thận rõ trên lâm sàng. Bệnh nhân sẽ tiểu đạm. Albumin trong nước tiểu 24 giờ lớn hơn 300mg. Chức năng lọc của thận bắt đầu suy giảm. Huyết áp bệnh nhân bắt đầu tăng.
- Giai đoạn 5: bệnh thận giai đoạn cuối. Nếu không điều trị khoảng 20% sẽ bị bệnh thận giai đoạn cuối, cần phải lọc thận hoặc thay thận để duy trì cuộc sống.
Ở bệnh nhân bệnh đái tháo đường type 1, albumin trong nước tiểu là biểu hiện đầu tiên của tổn thương thận trong lâm sàng. Ở bệnh nhân bệnh đái tháo đường type 2, ngay lúc mới chẩn đoán có thể bệnh nhân đã có tăng huyết áp, tiểu albumin. Ngoài ra, khoảng 20% bệnh nhân bệnh đái tháo đường type 2 diễn tiến đến đến bệnh thận mạn nhưng không có albumin trong nước tiểu. Albumin trong nước tiểu có liên quan với tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Nên có chế độ ăn và luyện tập lành mạnh để phòng bệnh.
5. Điều trị và kiểm soát đường huyết phòng ngừa biến chứng thận
Mục tiêu điều trị là kiểm soát tốt tình trạng tăng đường huyết, giảm đạm niệu … Các bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng suy thận hoặc hội chứng thận hư cần được nhập viện để đánh giá và có kế hoạch điều trị tích cực cũng như được tư vấn về chế độ ăn, sinh hoạt, khả năng cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Người bệnh đái tháo đường cũng cần phải kiểm soát tốt đường huyết có thể ngăn chặn được bệnh thận tiến triển. Cần chú ý một số thuốc điều trị bệnh đái tháo đường thải trừ qua thận, nên khi thận đã tổn thương có thể làm tăng các tác dụng phụ. Người bệnh cần được tư vấn điều trị cho phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cũng cần phải kiểm soát tốt huyết áp và đạm niệu bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn là phương thuốc hữu hiệu làm giảm bệnh. Không hút thuốc lá, giảm cân, chú ý tăng cường hoạt động thể lực, tập thể dục và sinh hoạt đều đặn. Chế độ ăn nhạt vừa phải, giảm mỡ không chỉ làm giảm huyết áp mà còn làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch khác. Mục đích hạ áp ở người đái tháo đường là đưa con số xuống 120/80mmHg.
Tóm lại: Biến chứng suy tim, suy thận ở người đái tháo đường dù nặng hay nhẹ đều là những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của người bệnh. Để tránh các biến chứng này, người bệnh cần nắm vững các phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Trong đó, việc duy trì lối sống lành mạnh là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống đủ nước, theo dõi đường huyết và huyết áp, đồng thời kiểm tra định kỳ chức năng tim và thận. Việc giữ cân nặng hợp lý kết hợp với chế độ tập luyện thể thao vừa sức cũng là những điều người bệnh đái tháo đường cần thực hiện.
Để có thể phát hiện sớm các biến chứng trong đó có biến chứng thận, người bệnh đái tháo đường cần khám bệnh định kỳ để được làm các xét nghiệm cần thiết. Ngoài ra, người bệnh cũng cần nắm rõ các triệu chứng, đặc biệt là các triệu chứng sớm của bệnh để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42