Ca mổ buộc phải xoay trở tư thế nằm của bệnh nhân
Bệnh nhân tại TP HCM phải nằm sấp để mổ chấn thương sọ não, sau đó được bác sĩ lật nằm ngửa để tiếp tục xử lý gan vỡ.
Thanh niên 27 tuổi say rượu bị tai nạn giao thông hôm 29/12/2018, cấp cứu tại Bệnh viện Quận Thủ Đức ngày 29/12 trong tình trạng mê man, chấn thương đầu, xây xát nhiều nơi trên cơ thể.
Các bác sĩ kích hoạt báo động đỏ nội viện.
Kíp bác sĩ Ngoại Thần kinh, Ngoại Tổng quát nhanh chóng có mặt, chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương sọ não tụ máu ngoài màng cứng vùng chẩm phải, lại vỡ gan độ 4. Bệnh nhân được quyết định phẫu thuật cấp cứu, tranh thủ thời gian vàng để tránh tình trạng mất máu nguy hiểm.
Hình ảnh CT Scan sau phẫu thuật của bệnh nhân.
Tình thế cấp bách, cần xử trí cả hai vị trí tổn thương ở não và gan nhưng không thể phẫu thuật cùng lúc vì yêu cầu hai tư thế mổ khác nhau. Các bác sĩ hội chẩn, quyết định ưu tiên kíp Ngoại Thần kinh lấy máu tụ ngoài màng cứng cho bệnh nhân trước vì nguy cơ đe dọa tụt não rất cao nếu không giải quyết. Để mổ não, bệnh nhân phải nằm sấp.
Bệnh nhân được cho nằm sấp trong một giờ để mổ lấy khối máu tụ, thoát khỏi nguy cơ tụt não. Sau đó trên bàn phẫu thuật, bệnh nhân được lật nằm ngửa lại để kíp phẫu thuật thứ hai tiến hành mở ổ bụng, lấy toàn bộ máu đông trong ổ bụng và khâu gan cầm máu.
Sau hơn 3 giờ, ca phẫu thuật kết thúc thành công.
Bác sĩ Trương Long Vỹ, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Quận Thủ Đức nhận định quyết định nhanh chóng vị trí ưu tiên phẫu thuật đã giúp tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân.
"Nếu bệnh nhân bị tổn thương ở những cơ quan cùng nằm một tư thế, hai kíp mổ tiến hành cùng lúc sẽ đỡ áp lực thời gian hơn", bác sĩ Vỹ cho biết. Trường hợp này hai chấn thương ở hai nơi với hai tư thế mổ khác nhau, mất máu nhiều nên đòi hỏi kíp ngoại thần kinh phải xử trí nhanh để xoay trở bệnh nhân thuận lợi cho kíp ngoại tổng quát tiếp tục thao tác, đưa người bệnh kịp thời thoát khỏi nguy hiểm.
Hiện bệnh nhân dần hồi phục, tiếp xúc tốt, có thể ngồi dậy, ăn uống và đi lại khi có người dìu.
Lê Phương
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42