Bệnh viêm thùy phổi ở trẻ em biến chứng nguy hiểm khó lường
Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa điều trị thành công bệnh nhi 4 tuổi viêm phổi thùy biến chứng suy hô hấp, tràn dịch màng phổi.
Bệnh nhi L.T.Q.A. (4 tuổi, trú tại huyện Đam Rông, Gia Lai) vào viện trong tình trạng khó thở, thích ngồi hơn nằm, đau bụng vùng quanh rốn.
Mẹ bệnh nhi cho biết: Cách 2 ngày nhập viện, bệnh nhi sốt nhẹ 38 độ C, ho, đau bụng quanh rốn, nghĩ bệnh nhi chỉ bị viêm hô hấp trên đã tự mua thuốc ho và hạ sốt cho uống. Sau 2 ngày, bệnh nhi sốt cao 39-40 độ C, ho nhiều hơn kèm khó thở nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi thùy biến chứng suy hô hấp, tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi được ra viện sau hơn 1 tháng điều trị với thở oxy, kháng sinh, điều trị triệu chứng và dinh dưỡng.
Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tính từ đầu năm đến ngày 22/5, đã điều trị 57 bệnh nhi viêm phổi thùy.
Theo các bác sĩ, viêm phổi thùy là tình trạng tổn thương viêm một số thùy của một hoặc cả hai phổi. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người lớn.
Nguyên nhân gây bệnh: Vi khuẩn là phổ biến hàng đầu; virus là nguyên nhân phổ biến thứ 2; ngoài ra nấm, kí sinh trùng cũng có thể gây viêm phổi thùy.
Biểu hiện của bệnh: Ban đầu trẻ có thể sốt cao đột ngột, rét run, đau tức ngực, ho khan, có thể khó thở.
Vài ngày sau đó, trẻ thường có các biểu hiện như sốt cao liên tục 39- 40 độ C, mệt mỏi, cảm giác chán ăn, khát nước, đau ngực và khó thở nặng hơn, ho nhiều, đờm đặc, nước tiểu ít và sẫm màu. Trong giai đoạn này, nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể có những biến chứng nặng như áp xe phổi, viêm phổi hoại tử, xẹp phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi hay màng tim và có thể gây nhiễm trùng ở các cơ quan khác như não, nhiễm trùng huyết...
Ở những trẻ có sức đề kháng tốt, điều trị sớm và đúng phương pháp bệnh có thể giảm và khỏi sau 7 đến 10 ngày.
Ở trẻ bị viêm phổi thùy, cần được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, tránh gây ra biến chứng nguy hiểm.
Việc điều trị bao gồm điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng, nghỉ ngơi hợp lí, chế độ ăn uống dễ tiêu hóa, đủ chất và bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, C... bù nước và điện giải. Hạ sốt, giảm đau, ho, hỗ trợ hô hấp và điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Để phòng ngừa bệnh, xây dựng lối sống lành mạnh là "chìa khóa vàng" giúp bạn phòng ngừa nhiều bệnh khác nhau, bao gồm viêm phổi thùy. Chẳng hạn như rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên nhằm nâng cao thể trạng; giữ ấm trong mùa lạnh; tránh khói thuốc lá, những khu vực ô nhiễm.
Bên cạnh đó. tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ theo đúng lịch quy định. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, trẻ em phải được bú mẹ và ăn dặm đúng cách.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42