5 cách giảm đau gout cấp tốc
Một số phương pháp chăm sóc tại nhà như uống nước, chườm lạnh, ngâm chân... có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng của bệnh gout, giúp giảm đau nhanh chóng.
Gout là bệnh lý cần điều trị cả đời. Khi các đợt viêm gout cấp khởi phát sẽ gây ra tình trạng sưng nóng, đỏ đau nghiêm trọng ở khớp, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh. ThS.BSNT Nguyễn Thị Phương, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khi cơn đau gout khởi phát, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp dưới đây để làm dịu nhanh cơn đau.
Bổ sung đủ nước
Lượng axit uric dư thừa không được đào thải ra khỏi cơ thể là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Do đó, người bệnh cần uống nhiều nước mỗi ngày để tăng tốc độ thanh lọc axit uric ra khỏi cơ thể, đặc biệt là khi bị cơn đau gout cấp tấn công. Người bệnh cần uống khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày. Nên ưu tiên nước lọc hoặc các loại nước ép trái cây tốt cho người bệnh gout như nước ép thơm, nước ép anh đào, nước ép cam, quýt, chanh, bưởi...
Uống nước là một trong những cách đơn giản giúp giảm đau do gout. Ảnh: Freepik
Chườm đá lạnh
Phương pháp này sử dụng hơi lạnh để làm co mạch máu, giảm lượng máu lưu thông đến khu vực cần điều trị, từ đó giảm đáng kể tình trạng sưng đau và viêm khớp. Ngoài ra, chườm lạnh còn ngăn chặn tạm thời dẫn truyền đau lên não, giảm nhẹ mức độ đau nhức khớp và khu vực xung quanh. Khi cơn đau gout khởi phát, người bệnh nên đặt một vài viên đá nhỏ vào chiếc khăn mềm rồi chườm lên vị trí đau trong khoảng 20-30 phút.
Ngâm chân với nước ấm
Ngâm chân vào nước ấm giúp giảm đau do bệnh gout gây ra một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phương pháp này thúc đẩy hòa tan tinh thể axit uric và đào thải ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, khớp sẽ được thư giãn và giảm đau nhanh chóng. Người bệnh có thể ngâm chân vào buổi tối trước khi ngủ, mỗi lần khoảng 20 phút. Để tăng hiệu quả giảm đau, người bệnh có thể ngâm chân mỗi ngày bằng nước lá tía tô hoặc lá lốt đun sôi, để ấm.
Ngâm chân với nước muối
Ngâm chân với nước muối cũng là một trong những phương pháp giảm đau do gout nhanh chóng. Magie trong muối kích thích máu lưu thông và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Nhằm ngăn ngừa các cơn đau tái phát vào nửa đêm, giúp cơ thể thư giãn và có giấc ngủ ngon hơn, người bệnh nên ngâm chân với nước muối vào mỗi tối trước khi ngủ.
Bảo vệ khớp sưng
Người bệnh gout nên giữ cho vị trí khớp sưng được thoáng mát. Khi nằm trên giường, cần nâng cao chân bằng cách kê một chiếc gối dưới đầu gối. Tư thế này giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau và mang lại sự thoải mái cho người bệnh.
Bác sĩ Phương kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh nội trú. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Bác sĩ Phương cho biết thêm, về lâu dài, để kiểm soát các cơn đau của gout và ngăn bệnh tiến triển, người bệnh cần kết hợp giữa tuân thủ chỉ định của bác sĩ với xây dựng một thói quen sống lành mạnh.
Áp dụng chế độ ăn uống phù hợp: Hạn chế ăn thực phẩm giàu purin như đậu xanh, thịt, cá mòi, cá thu, sò, ốc... Tránh carbohydrate tinh chế, có nhiều trong bánh mì trắng, bánh quy, những loại nước trái cây nhân tạo và đồ uống có ga. Người bệnh nên tăng cường các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, bao gồm nho, thơm, tắc, anh đào,...
Bỏ thuốc lá và thức uống có cồn: Hút thuốc sẽ cản trở quá trình trao đổi chất của cơ thể. Trong khi đó, cồn trong rượu bia có thể làm axit uric trong máu tăng cao. Sử dụng nhiều đồ uống có cồn còn có thể dẫn đến tình trạng tích tụ dịch. Tất cả những yếu tố này đều làm cho các triệu chứng bệnh trở nặng rất nhanh.
Kiểm soát cân nặng bằng cách ăn uống hợp lý và vận động thường xuyên. Một số bài tập phù hợp cho người bệnh gout như bơi, aerobic dưới nước... Dạng bài tập này giúp cơ bắp săn chắc hơn, tăng cường chức năng phổi, cải thiện khả năng vận động và chức năng khớp mà không cần dùng nhiều lực, giúp giảm áp lực lên khớp. Tuy nhiên, người bệnh không nên áp dụng chế độ giảm cân quá khắc nghiệt. Điều này sẽ làm phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, làm tăng lượng axit uric, khiến bệnh thêm trầm trọng.
Hạn chế căng thẳng: Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ làm bệnh gout bùng phát, các triệu chứng bệnh nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh nên cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng và nghỉ ngơi đầy đủ.
Kiểm soát hàm lượng axit uric: Người bệnh cần thăm khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi hàm lượng axit uric chặt chẽ. Hàm lượng axit uric lý tưởng là dưới 6mg/dl đối với trường hợp người bệnh chưa có hạt tophi, dưới 5mg/dl với người bệnh đã có hạt tophi. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh dùng thuốc thường xuyên để kiểm soát hàm lượng axit uric.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42