Ðể người mắc bệnh lao không mặc cảm
Công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những bệnh đã từng là nỗi ám ảnh cho cộng đồng luôn gặp phải nhiều khó khăn. Lao là một trong những bệnh như vậy. Mặc dù lao có thể chữa khỏi hoàn toàn và hạn chế lây lan nếu được điều trị đúng và tích cực, nhưng nhận thức của đa số người dân về căn bệnh này vẫn chưa đầy đủ, còn tình trạng kỳ thị, giấu bệnh. Ðây cũng là nguyên nhân khiến bệnh lao có thể lan rộng trong cộng đồng.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thăm khám cho bệnh nhân.
Dẫn tôi đi thăm các phòng bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Hậu, Khoa Lao phổi - Lao/HIV - Lao kháng thuốc (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) cho biết: “Là khoa chuyên điều trị bệnh lao có lây nhiễm và các ca bệnh lao phức tạp nhưng nếu biết cách phòng tránh thì không có gì đáng lo cả. Ðiều trị bệnh lao mất nhiều thời gian, trung bình là 6 tháng. 1 - 2 tháng đầu phải điều trị tại bệnh viện, sau khi xét nghiệm âm tính, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng thì bệnh nhân sẽ được điều trị ngoại trú, nhận thuốc tại tuyến huyện. Vì thời gian điều trị dài và phải uống nhiều loại thuốc nên bệnh nhân thường có tâm lý chán nản, chúng tôi thường xuyên trò chuyện, động viên bệnh nhân kiên trì, tích cực chữa trị để sớm được về nhà”.
Ông Lỳ A Nhè (huyện Tủa Chùa) điều trị từ tháng 9 - 11/2018 là một trường hợp đáng nhớ đối với cán bộ, y bác sĩ trong khoa. Ông Nhè đã ngoài 70 tuổi, ngoài bệnh lao còn mắc bệnh về thận nên thể trạng yếu. Sau nửa tháng điều trị, ông đòi về nhà làm lý cúng ma cho nhanh hết bệnh. Y, bác sĩ hết lời khuyên giải, cương quyết không cho ông ra viện bởi như vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ðồng thời, giải thích bệnh một cách rõ ràng cho con, cháu của ông để động viên ông ở lại. Xuất viện sau 2 tháng điều trị, ông Nhè khỏe ra nhiều, da dẻ hồng hào, tăng 3kg khiến cả gia đình vui mừng, phấn khởi. Còn có những trường hợp sau khi khám, phát hiện bệnh một mực không tin mình mắc bệnh lao. Chỉ khi dùng thuốc thấy sức khỏe ổn định hơn mới chuyên tâm điều trị. Bệnh nhân Nạ Văn Khăm, xã Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) đã điều trị bệnh lao được hơn 40 ngày. Ông cho biết: Tôi ho nhiều gần 1 tháng, đi khám và điều trị tại tuyến huyện 1 tuần không khỏi nên được chuyển lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh kiểm tra. Lúc nhập viện người rất yếu và mệt, bây giờ cảm thấy sức khỏe đã ổn định, mong được về nhà sớm.
Ðiện Biên là tỉnh có tỷ lệ mắc lao cao, song công tác phát hiện còn thấp. Ðược giao nhiệm vụ thực hiện công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh, năm 2018, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã khám, phát hiện 165 bệnh nhân lao mới, tổng số bệnh nhân đang được quản lý điều trị 312 người, tỷ lệ mắc lao mới trên dân số là 0,28%o, tỷ lệ mắc lao chung là trên 54 ca/100.000 dân. Bác sĩ Ðỗ Quang Hải, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Công tác phòng chống lao tại địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa được xã hội hóa cao và chưa có sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội. Người mắc bệnh lao vẫn còn chịu nhiều định kiến và mặc cảm, gây trở ngại cả về vật chất lẫn tinh thần. Công tác truyền thông về bệnh, phát hiện bệnh tại tuyến dưới còn hạn chế. Hơn nữa tỉnh ta có tỷ lệ nhiễm HIV/dân số cao, đồng nghĩa với số người nhiễm HIV bị mắc lao cũng không ít nên có sự phức tạp trong điều trị. Vì vậy để tìm, phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng, ngoài công tác giám sát tại các tuyến, khám chữa bệnh thường xuyên, hàng năm Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đều thực hiện khám sàng lọc phát hiện sớm kết hợp tư vấn, tuyên truyền bệnh lao tại cộng đồng. Năm 2018, Bệnh viện đã khám sàng lọc cho hơn 6.500 người dân huyện Ðiện Biên và phạm nhân Trại giam Nà Tấu.
Mọi hoạt động của Bệnh viện đều nhằm mục tiêu giảm số người mắc bệnh lao, chết do lao và giảm sự lây nhiễm lao, khống chế bệnh lao kháng đa thuốc để hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh dưới 20/100.000 người dân vào năm 2030. Năm 2019, Bệnh viện phấn đấu tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao các thể lên 0,34%o, tăng tỷ lệ người dân đi xét nghiệm đờm trên dân số từ 0,94% lên 1%, tỷ lệ bệnh nhân hoàn thành điều trị đạt 98%. Ðể làm được điều đó, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã đề ra nhiều hoạt động và giải pháp cho thời gian sắp tới. Nhưng hơn thế nữa cần sự tìm hiểu, chung tay của cả xã hội để người mắc bệnh lao không còn mặc cảm kỳ thị, giấu bệnh, góp phần khống chế sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25