Nhận biết bệnh viêm phổi không điển hình
Bệnh viêm phổi không điển hình có triệu chứng tương tự bệnh cảm lạnh nên rất khó để nhận biết chính xác.
Viêm phổi không điển hình hay còn gọi là viêm phổi đi bộ (walking pneumonia), là một dạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp trên và dưới. Bệnh phổ biến trong cộng đồng nhưng lại rất khó phát hiện. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính mỗi năm có khoảng 2 triệu ca mắc bệnh viêm phổi không điển hình.
Theo chuyên gia y tế, bệnh viêm phổi không điển hình thường do một loại vi khuẩn gây ra. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh sẽ có cảm giác như cơ thể đang mắc bệnh cảm lạnh gồm: ho, sốt, đau ngực, ớn lạnh nhẹ, nhức đầu... sau 2-3 tuần. Hầu hết triệu chứng viêm phổi không điển hình thường biến mất trong vòng 3-5 ngày, nhưng cơn ho có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Ngoài ra, một số trường hợp khác có thể bị nhiễm trùng tai, thiếu máu hoặc phát ban trên da.
Viêm phổi không điển hình có thể lây truyền khi một người hít phải hoặc nuốt phải các giọt trong không khí. Ảnh: Freepik
Viêm phổi không điển hình phổ biến nhất ở trẻ em, người lớn dưới 40 tuổi hoặc những người sống và làm việc ở những nơi đông đúc chẳng hạn như trường học, ký túc xá,... Bệnh có thể lây truyền khi một người hít phải hoặc nuốt phải các giọt trong không khí được tiết ra khi người bệnh đang hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Ngoài ra, thời điểm cuối mùa hè và mùa thu là giai đoạn phổ biến nhất trong năm đối với bệnh viêm phổi không điển hình.
Theo CDC khuyến nghị, người bệnh nên đến bệnh viện trong trường hợp có dấu hiệu của cảm lạnh nhưng tình trạng bệnh đột ngột trở nên xấu hơn và xuất hiện những cơn ho dai dẳng, sốt hay ớn lạnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần đi khám trong trường hợp: đau ngực khi ho, hít thở, khó thở hoặc bị mất ngủ do cơn ho hành hạ.
Hướng điều trị
Khi nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi không điển hình, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp chụp X-quang để phân biệt giữa viêm phổi và bệnh hô hấp khác như viêm phế quản cấp. Ngoài cách nhận biết này, bác sĩ cũng có thể chỉ định những xét nghiệm khác như: nhuộm Gram vi khuẩn, ngoáy lấy dịch họng hoặc xét nghiệm kháng thể đặc hiệu trong máu,...
Bệnh viêm phổi không điển hình rơi vào nhóm bệnh nhẹ. Do đó, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Một số loại thuốc không kê đơn cũng có thể được sử dụng để giảm triệu chứng, chẳng hạn như thuốc kháng histamine trị nghẹt mũi hoặc thuốc ho để giúp giảm ho, làm lỏng chất nhầy. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt khi bị sốt, nghỉ ngơi nhiều.
Cách phòng ngừa
Bệnh viêm phổi không điển hình không thể điều trị dứt điểm. Trong hầu hết các trường hợp mắc viêm phổi không điển hình, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn trong một đợt điều trị bằng kháng sinh đủ liều. Dù không thể ngăn ngừa bệnh hoàn toàn nhưng mỗi người vẫn có thể thực hiện một số bước để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là những khuyến cáo từ chuyên gia y tế:
Xây dựng thói quen sống lành mạnh: Việc tập thể dục, ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh; từ đó, khiến hệ miễn dịch có khả năng chống lại nhiễm trùng tốt hơn.
Rửa tay thường xuyên: Thói quen rửa tay là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn vi trùng lây lan. Ngoài ra, mỗi người cũng cần tập thói quen che miệng khi ho hoặc hắt hơi để tránh lây lan bệnh nhiễm trùng này ra môi trường xung quanh.
Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá sẽ làm tổn thương phổi. Khi phổi bị tổn thương, người bệnh sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn.
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25