Những việc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần làm để khỏe hơn trong mùa lạnh
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Theo các nhà nghiên cứu, hiện COPD là một trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới và 90% số ca tử vong này nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh tiến triển nặng dần, không hồi phục do có những đợt cấp và xuất hiện các biến chứng trầm trọng gây tàn phế và có thể đưa đến tử vong như suy hô hấp mạn tính, suy tim phải.
Chính vì vậy, ngoài việc tuân thủ chỉ định của thầy thuốc thì người bệnh cần có những lưu ý để hạn chế những biến chứng nguy hại.
1. Yếu tố môi trường và sự liên quan với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Các nghiên cứu cho thấy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến yếu tố môi trường. Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc COPD trong đó có yếu tố cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên từ môi trường bên ngoài.
Theo đánh giá của các nghiên cứu, khói thuốc lá, thuốc lào có liên quan nhiều nhất đến tỷ lệ mắc COPD. Nghĩa là những người nghiện thuốc lá, thuốc lào và thường xuyên tiếp xúc (hút thụ động) là nguy cơ hàng đầu gây COPD.
Tiếp đến là các yếu tố nguy cơ từ môi trường trong đó môi trường sống, làm việc nhiều khói bụi và hóa chất nghề nghiệp với thời gian dài, cường độ mạnh thì có thể dẫn đến COPD và khi có thêm khói thuốc lá thì tiến triển của bệnh càng nặng hơn.
Các ghi nhận cho thấy, nhịp sống đô thị đông đúc, nhiều khí thải khu công nghiệp ô nhiễm không khí, môi trường không chỉ có nguy cơ mắc COPD mà còn có hại cho người bệnh tim và phổi. Với vùng nông thôn thì khói bụi của chất đốt than, củi, rơm... nơi ở thông gió kém cộng với tình trạng có hút thuốc lá, thuốc lào sẽ có nguy cơ cao gây COPD.
Tổn thương của người bệnh COPD.
2. Những việc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần làm để khỏe hơn
Để người bệnh COPD khỏe hơn thì việc đầu tiên là phải tuân thủ nghiêm túc chỉ định của các bác sĩ. Ngoài ra, việc người bệnh cần làm là thay đổi lối sống một cách khoa học sẽ góp phần vào kết quả điều trị.
Dưới đây là những việc mà người bệnh COPD cần phải thực hiện:
- Không tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào: Nếu người bệnh COPD nghiện thuốc lá, thuốc lào thì cần ngưng và cai thuốc. Bởi bản chất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tắc nghẽn đường thở nên việc điều trị chủ yếu là cai thuốc lá, cách duy nhất để sống tốt hơn và là việc khó khăn nhất đối với người nghiện thuốc. Ngay cả khi người bệnh sống ở môi trường trong gia đình, nơi làm việc có người hút thuốc cũng cần có giải pháp tránh hít phải khói thuốc.
- Cần luôn mang khẩu trang: Với cơ địa dị ứng nên người bệnh COPD luôn mang khẩu trang khi ra đường, khi tiếp xúc với nguồn không khí ẩm mốc và những chất dễ gây dị ứng. Nhất là hiện nay khi thay đổi thời tiết, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm, rửa tay thường xuyên để tránh phát tán vi khuẩn, khi có dấu hiệu cảm cúm phải điều trị càng sớm càng tốt.
- Cần kiểm soát cân nặng của cơ thể: Nếu mắc COPD sẽ khiến cho phổi và tim phải làm việc nhiều hơn. Do đó, nếu tình trạng cơ thể thừa cân béo phì thì người bệnh cần giảm cân và kiểm soát cân nặng nhằm giảm tải cho tim phổi. Hằng ngày cần tập luyện (đi bộ, tập thở…), tuy nhiên, cần tập theo hướng dẫn của các chuyên gia để phù hợp với từng người bệnh. Điều này giúp giảm các triệu chứng, tăng khả năng hoạt động thể lực và có thể làm các công việc hằng ngày tốt hơn.
Theo khuyến cáo, người bệnh COPD nên tập các các bài tập như: thiền, tập thở kiểu bụng (thở hoành) hoặc yoga.
- Cần có chế độ ăn hợp lý: Người bệnh COPD rất tiêu tốn năng lượng cho quá trình hô hấp gấp 5-10 lần người bình thường. Vì vậy cần có một chế độ dinh dưỡng tốt để duy trì sức khỏe. Không được thừa cân hay suy dinh dưỡng vì đều ảnh hưởng đến mức độ tàn tật của bệnh.
Các nghiên cứu ghi nhận rằng, người bệnh COPD có thể suy dinh dưỡng vì tình trạng bệnh (khó thở, mệt mỏi) gây cản trở việc ăn uống, tình trạng hấp thu thức ăn kém hoặc do tác dụng phụ của các thuốc điều trị. Và hậu quả là sẽ dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn và dễ dẫn đến các đợt cấp của bệnh… điều này cũng làm bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn.
- Người bệnh COPD được khuyến nghị nên ăn những thức ăn có chứa đạm như sữa, cá, trứng, thịt và đậu nành.
- Thường xuyên ăn cá, dầu thực vật, hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ thịt.
- Cần ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh...
- Hạn chế ăn những thức ăn cải muối, thức uống có gas.
- Người bệnh COPD không nên ăn quá no, không nên uống nước trước và trong bữa ăn,… vì nếu no quá sẽ khiến khó thở hơn.
- Hằng ngày, cần uống đủ nước, theo khuyến cáo người bệnh cần uống trung bình khoảng 1,5 lít nước/ngày để giúp loãng đờm tốt nhất và tránh bị mệt.
- Chú ý, cần tránh ăn quá nhiều muối, đồ chiên rán, thức ăn nhanh. Đặc biệt cần kiêng tuyệt đối thuốc lá và rượu bia.
- Chú ý tiêm phòng: Với người mắc COPD cũng được khuyến cáo tiêm vaccin phòng cúm và phế cầu. Đây là biện pháp được khuyến khích ở người lớn tuổi để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là người có bệnh lý mạn tính ở phổi.
- Cần khám sức khỏe định kỳ: Cũng như các bệnh mạn tính khác người bệnh bệnh cần phải thường xuyên kiểm tra để xem xét các triệu chứng và can thiệp biện pháp điều trị khi cần thiết. Đây là yếu tố quan trọng giúp phát hiện sớm và kiểm soát COPD giúp cho người bệnh sống khỏe hơn, hạn chế biến chứng.
Ngoài ra, người bệnh COPD cũng cần sống trong môi trường sạch, ít khí độc, khói độc hại. Nếu phải làm việc trong môi trường có hóa chất, bụi thì cần có bảo hộ lao động.
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25