Chuyên gia dự báo triển vọng xóa bỏ bệnh lao vào năm 2045
Theo kết luận của nhóm nghiên cứu quốc tế đăng trên tạp chí Lancet, thế giới có thể xóa bỏ bệnh lao vào năm 2045 nếu có đủ ngân sách nghiên cứu cho cuộc chiến chống căn bệnh này.
Thế giới có thể xóa bỏ bệnh lao vào năm 2045 nếu có đủ ngân sách nghiên cứu cho cuộc chiến chống căn bệnh này. Đây kết luận của nhóm nghiên cứu quốc tế tới từ 13 quốc gia và nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Lancet.
Lao là căn bệnh lây nhiễm gây tử vong hàng đầu với trung bình hơn 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm.
Các chuyên gia khẳng định hoàn toàn có thể phòng ngừa căn bệnh mãn tính về phổi này và phần lớn các ca nhiễm bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện kịp thời.
Nhóm nghiên cứu đã cảnh báo về những thiệt hại kinh tế và xã hội nếu không hành động kịp thời, theo đó cho rằng việc kiểm tra, điều trị và nâng cao nhận thức của người dân đóng vai trò quan trọng giúp giảm hơn 10 triệu trường hợp nhiễm bệnh mỗi năm.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc về bệnh lao Eric Goosby cho rằng gánh nặng kinh tế đối với cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển đang ngày càng nặng nề hơn.
Theo ông, đây không phải vấn đề khoa học có thể giải quyết nhanh chóng mà cần có một chiến lược phòng ngừa mới.
Bệnh lao đã tồn tại hàng nghìn năm và đã thâm nhập vào 25% dân số thế giới.
Số ca tử vong do bệnh lao bằng số ca tử vong do HIV/AIDS và sốt rét cộng lại, trong khi chưa có một loại vắcxin mới và bán rộng rãi nào ra ngoài thị trường trong suốt một thế kỷ qua.
Theo các chuyên gia, ngân sách cho nghiên cứu căn bệnh nguy hiểm này hiện chỉ bằng 10% ngân sách nghiên cứu AIDS.
Để giải quyết triệt để căn bệnh này, nhóm chuyên gia cho rằng chi phí nghiên cứu và phát triển cần tăng gấp 4 lần lên khoảng 3 tỷ USD/năm.
Theo thống kê, trung bình trong 3 ca tử vong do lao trên toàn cầu có 1 ca ở Ấn Độ.
Nhóm nghiên cứu khẳng định việc tiếp cận khám chữa bệnh tập trung vào các cộng đồng nhiều nguy cơ nhiễm lao tại nước này sẽ giúp giảm 1/3 số người chết với chi phí khoảng 290 triệu USD/năm.
Số tiền này không nhiều so với thiệt hại kinh tế, bao gồm chi phí điều trị và mất năng suất lao động do nhiễm lao, ước tính khoảng 32 tỷ USD mỗi năm.
Giám đốc khoa học của Liên minh quốc tế chống lao và bệnh phổi Paula Fujiwara nhấn mạnh điều quan trọng là cần có thêm nhiều nghiên cứu và công cụ mới.
Nghiên cứu đánh giá nếu áp dụng phương pháp điều tri hiện nay cho 90% ca nhiễm lao, vẫn có 800.000 người sẽ tử vong do điều trị không hiệu quả và sự khác biệt trong chẩn đoán.
Tuy nhiên, hàng loạt bước tiến trong những tháng vừa qua đã mang lại hy vọng cho các bệnh nhân lao.
Tháng 10/2018, phương pháp điều trị mới đối với chủng lao kháng thuốc đã điều trị hiệu quả cho 80% số bệnh nhân tại Belarus.
Phương pháp này đã được áp dụng tại những quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh cao và mang lại kết quả tương tự.
Tháng trước, hãng dược phẩm GlaxoSmithKline đã công bố nghiên cứu về một loại vắc-xin mới giúp điều trị hiệu quả cho 54% số người tham gia.
Các bác sỹ cũng khẳng định phương pháp xét nghiệm mới có thể giúp giảm tới 240.000 ca tử vong/năm ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Nghiên cứu trên ước tính chi phí để giảm số ca tử vong do lao xuống dưới 200.000 người/năm vào khoảng 10 tỷ USD/năm./.
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55