Tìm thuốc chữa tay chân miệng dự phòng bùng dịch
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết nguồn cung thuốc điều trị tay chân miệng bị gián đoạn, chỉ còn tồn một số ít và lên kế hoạch nhập vào tháng 7, yêu cầu TP HCM dự trữ để ứng phó dịch.
Ngày 5/6, Cục Quản lý Dược thông báo như trên, trong bối cảnh Sở Y tế TP HCM đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị tay chân miệng gồm Immunoglobulin và Phenobarbital. Hai tuần qua, số ca tay chân miệng tại TP HCM tăng, một số trường hợp nặng do mắc type Enterovirus 71 (EV71) nguy hiểm, gây nhiều biến chứng, dễ dẫn đến tử vong.
Theo Cục Quản lý Dược, thời gian qua nguồn cung toàn cầu về thuốc nói chung, thuốc điều trị tay chân miệng nói riêng, bị gián đoạn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột giữa các quốc gia.
Hiện có 13 loại thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, thuốc Human normal immunoglobulin 100 mg còn 2.344 hộp loại 250 ml và 215 hộp loại 50 ml. Dự kiến giữa tháng 8, nhà sản xuất thuốc này sẽ cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250 ml.
Thuốc Immunoglobulin 5% hiện còn tồn 300 lọ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Dự kiến cuối tháng 7, nhà sản xuất thuốc sẽ cung ứng khoảng 5.000 đến 6.000 lọ.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu thuốc Barbit - thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam - để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Nhà sản xuất thuốc này cho biết sẽ cung ứng 21.000 ống thuốc (Phenobarbital 200 mg/ml) vào đầu tháng 7.
Như vậy, vào đầu tháng 7, nguồn cung các loại thuốc điều trị tay chân miệng sẽ nhiều hơn. Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP HCM triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc khám, chữa bệnh. Các bệnh viện cũng chủ động dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc.
Thuốc Phenobarbital dạng dung dịch dùng để điều trị co giật ở trẻ bệnh tay chân miệng. Ảnh: Eu-doctor
Bệnh tay chân miệng đang vào mùa tại TP HCM. Bệnh dễ lây lan nhất ở nhóm trẻ em (dưới 5 tuổi) và chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để phòng bệnh, phụ huynh cho trẻ ăn uống sạch, vệ sinh bàn tay và đồ chơi sạch sẽ. Trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như nổi bóng nước ở bàn tay, bàn chân, miệng, cần cách ly với trẻ khác, đưa đến bệnh viện khám. Trong thời gian bệnh, trẻ nên nghỉ học để hạn chế lây lan cho trẻ khác.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02