Thuốc hạ mỡ máu: Những tác dụng phụ và cách dùng đúng chuẩn
Mỡ máu cao hay rối loạn lipid máu lâu dài sẽ ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch, béo phì, đái tháo đường... do đó cần được điều trị. Có rất nhiều nhóm thuốc hạ mỡ máu, cần dùng thuốc đúng cách để tăng tác dụng chính và giảm tác dụng phụ...
1. Các nhóm thuốc hạ mỡ máu
1.1 Nhóm statin
Các statin còn được gọi là nhóm thuốc ức chế men khử HMG-CoA, không tạo ra cholesterol ở gan, làm giảm cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng làm tăng số lượng thụ thể của LDL-cholesterol, tăng sự thoái hóa và làm giảm loại cholesterol gây hại này xuống mức thấp nhất. Đồng thời, các statin cũng làm tăng HDL-cholesterol (loại cholesterol có lợi cho cơ thể).
Statin là nhóm thuốc đầu tay trong điều trị mỡ máu, bao gồm các thuốc: Simvastatin, atorvastatin, rosuvastain…
1.2 Nhóm fibrat
Fibrat cũng là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị mỡ máu cao, có tác dụng giảm triglycerdis, LDL, tăng HDL. Thuốc này có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với những loại thuốc hạ mỡ máu khác.
Nhóm fibrat bao gồm các thuốc: Fenofibrat, ciprofibrat, berafibrat…
1.3 Nhóm niacin
Niacin là loại thuốc thuộc vitamin nhóm B. Đây là vitamin tan trong nước, có tác dụng tốt trong điều trị bệnh mỡ máu. Nhóm thuốc này có thể được dùng kết hợp với thuốc nhóm statin, hoặc dùng đơn độc trong các trường hợp người bệnh không dung nạp với statin, gồm các thuốc như: Niapan, nicoar…
1.4 Nhóm renin
Bao gồm các thuốc cholestyramin, colestipol… Thuốc thường dùng phối hợp với nhóm statin hoặc không dung nạp với statin. Không được dùng trong trường hợp triglycerid tăng quá cao.
1.5 Nhóm ức chế sự hấp thu cholesterol
Một trong các thuốc như ezetimibe, được dùng phối hợp với nhóm statin hoặc không dung nạp statin. Không được dùng thuốc này khi triglycerid tăng cao.
Khi mỡ máu cao gây ra nhiều tác hại cho cơ thể.
1.6 Điều trị thay thế bằng hormone sinh dục nữ estrogen
Nhóm thuốc này thường dùng cho phụ nữ mãn kinh có rối loạn lipid máu.
1.7 Nhóm acid béo không bão hòa omega-3
Acid béo DHA và EPA có tác dụng hạ triglycerid khá mạnh, làm tăng HDL-C vừa phải. Thuốc này thường dùng điều trị triglycerid cao thường phối hợp với nhóm fibrate
2. Tác dụng phụ của thuốc hạ mỡ máu là gì?
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc trị mỡ máu có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm:
- Tác dụng phụ trên gan, mật: Thuốc hạ mỡ máu có thể làm rối loạn chức năng gan, làm tăng men gan SGOT/SGPT, dẫn tới hoại tử tế bào gan.
Khi các men gan SGOT/SGPT tăng lên gấp 3 lần bình thường bệnh nhân buộc phải ngừng thuốc đang sử dụng. Đó là lý do mà bệnh nhân cần phải đi khám bệnh định kỳ, để được làm các xét nghiệm đánh giá các chỉ số. Dựa vào đó bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc cho bệnh nhân.
Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy mệt mỏi, chán ăn, đau bụng trên, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu... cần báo ngay cho bác sĩ.
Những bệnh nhân bị viêm gan (cấp hoặc mãn tính), có men gan tăng kéo dài chống chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu.
- Tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: Thuốc hạ mỡ máu nhóm fibrat có thể khiến bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, táo bón. Nhóm statin có thể khiến bệnh nhân gặp phải triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn…
- Tác dụng phụ trên hệ thần kinh: Thuốc hạ mỡ máu nhóm statin có thể gây ra tình trạng giảm trí nhớ, nhầm lẫn, phù mạch thần kinh, chuột rút, bệnh lý thần kinh ngoại biên... ở một số bệnh nhân.
- Tác dụng phụ trên da, cơ, xương, khớp: Một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân dùng thuốc hạ mỡ máu là đau cơ, yếu cơ, nhức mỏi các khớp, dị ứng da, ngứa, nổi mề đay.
Tuy nhiên không phải bất cứ ai khi dùng thuốc điều trị mỡ máu cao cũng gặp các tác dụng phụ kể trên. Những người có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ là: Người đồng thời uống nhiều loại thuốc giảm cholesterol; người có bệnh thận hoặc gan; người trên 65 tuổi; người uống quá nhiều rượu…
3. Uống thuốc hạ mỡ máu thế nào là đúng?
Khi bị rối loạn mỡ máu nhẹ, không mắc kèm theo các bệnh như: Đái tháo đường, bệnh mạch vành, tăng huyết áp… thì chưa cần sử dụng thuốc hạ mỡ máu ngay mà cần can thiệp vào lối sống, bằng cách:
- Thay đổi chế độ ăn
- Tăng cường vận động thể lực
- Bỏ các thói quen gây hại (hút thuốc lá, uống rượu bia…).
- Sau khi thực hiện chế độ ăn kiêng và vận động một thời gian nhưng kết quả xét nghiệm mỡ máu vẫn không hạ tới mức mong muốn, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Các dùng thuốc hạ mỡ máu:
• Nhóm fibrate nên dùng trong hoặc sau bữa ăn chính.
• Nhóm statin nên uống trước hoặc sau ăn.
• Khi đang dùng thuốc hạ mỡ máu vẫn duy trì nghiêm túc chế độ ăn và vận động theo khuyến cáo.
• Cần hạn chế tiêu thụ mỡ động vật, thực phẩm nhiều cholesterol; nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, dầu olive, các loại quả hạch, đậu đỗ và cá...
• Không dùng bưởi khi đang uống thuốc nhóm statin vì nước bưởi có chứa một chất hóa học có thể liên kết với các enzyme phá vỡ statin trong hệ thống tiêu hóa.
• Các loại thuốc: amiodarone, clarithromycin, cyclosporine, itraconazole, gemfibrozil, saquinavir, ritonavir... có thể tương tác với thuốc nhóm statin, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02