Sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà, 3 thời điểm người bệnh cần đặc biệt lưu ý
Khi biết mình nhiễm SARS-CoV-2, tâm lý hoang mang lo sợ thường sẽ khiến người bệnh tìm cách dùng thuốc càng sớm càng tốt. Việc này có thể khiến người bệnh có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ và độc tính của thuốc, thậm chí dùng thuốc điều trị COVID-19 không đúng thời điểm có thể làm tình trạng tồi tệ hơn.
Để hỗ trợ việc dùng thuốc điều trị COVID-19 đúng cách và đúng thời điểm, người bệnh cần hiểu rõ về diễn tiến của bệnh. Người bệnh cần ghi nhận ngày đầu tiên bắt đầu có triệu chứng khi biết mình nhiễm SARS-CoV-2 để theo dõi thường xuyên SpO2, đặc biệt trong giai đoạn bệnh có thể trở nặng (5-7 ngày từ khi có triệu chứng).
Theo các nghiên cứu, bệnh COVID-19 có thể chia làm 3 giai đoạn chính theo trình tự thời gian như sau: Giai đoạn khởi phát triệu chứng (thường 5-7 ngày từ khi có triệu chứng), giai đoạn triệu chứng tiến triển (thường vào ngày 7 đến ngày 14 từ khi có triệu chứng), giai đoạn phục hồi (thường sau 14 ngày từ khi có triệu chứng).
Giai đoạn khởi phát triệu chứng phù hợp để dùng thuốc kháng virus
Giai đoạn khởi phát thường kéo dài 5-7 ngày từ khi có triệu chứng là thời gian đầu khi mới nhiễm virus sẽ không có triệu chứng và đây là thời điểm virus nhân lên trong cơ thể. Khi nồng độ virus tăng cao và có phản ứng từ hệ miễn dịch, cơ thể sẽ bắt đầu có những triệu chứng như: Nhức đầu, sốt, mỏi cơ, ho… nhưng không có giảm SpO2 (SpO2 bình thường ≥ 95%). Các triệu chứng này không nghiêm trọng và có thể kiểm soát bằng các thuốc hoặc biện pháp thông thường như:
+ Sốt: Ưu tiên uống nhiều nước (nước lọc, nước dừa, nước oresol). Nếu sốt trên 38,5 độ C có thể dùng 1 viên paracetamol 500mg. Tổng liều không nên quá 3g/ngày và khoảng cách giữa hai lần dùng cách nhau tối thiểu 4 tiếng.
+ Ho: Ưu tiên uống nhiều nước, dùng các thực phẩm như gừng, húng chanh, mật ong… Nếu không đỡ có thể dùng thuốc ho tinh dầu, ho có đàm có thể dùng acetylcystein, bromhexin (liều 2-3 lần/ngày).
+ Chảy mũi: Có thể dùng nước muối nhỏ mũi. Nếu không đỡ có thể dùng thuốc kháng histamin như desloratadin, loratadin hoặc cetirizin 1 viên/ngày.
+ Nếu ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng, có thể bổ sung viên đa sinh tố (vitamin và khoáng chất).
Nhưng cần lưu ý liều các thuốc đề cập ở trên phù hợp với người lớn và có chức năng gan, thận bình thường.
Đây là giai đoạn phù hợp để dùng thuốc kháng virus. HIện các thuốc điều trị COVID-19 này chỉ được kê bởi nhân viên y tế.
Đây cũng là giai đoạn virus tăng sinh nên các thuốc kháng viêm có khả năng ức chế miễn dịch như corticosteroid sẽ không có lợi.
Các thuốc điều trị COVID-19 sử dụng ở giai đoạn triệu chứng tiến triển
Nhiều người nhiễm COVID-19 có thể không trải qua giai đoạn này. Theo nghiên cứu trước đây, 40% người bệnh có thể vào giai đoạn triệu chứng tiến triển hay trở nặng. Dù vậy, biến chủng delta được báo cáo khiến cho người bệnh dễ nhập viện hơn trên những người bệnh chưa được tiêm vaccine hoặc mắc sau khi tiêm liều đầu < 21 ngày so với biến chủng trước đó. Điều này có thể gợi ý biến chủng delta có thể khiến tình trạng chuyển nặng nhiều hơn.
Dấu hiện để nhận biết một người vào giai đoạn này khi có SpO2 < 95% và nhịp thở tăng nhanh > 20 nhịp/phút. Nếu điều này xảy ra, cần báo cáo với nhân viên y tế và có thể cho người bệnh nằm sấp để giảm tình trạng khó thở và cải thiện nồng độ oxy.
Việc nằm sấp có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu nhưng nằm ngửa sẽ làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh; vì vậy, cần giải thích cho người bệnh hiểu và hợp tác. Tư thế nằm sấp và các tư thế phù hợp khác khi bị giảm SpO2 có thể tham khảo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế TPHCM, trong trường hợp người bệnh không thể liên hệ với nhân viên y tế khi SpO2 < 95% hoặc nhịp thở tăng nhanh > 20 nhịp/phút, người bệnh có thể dùng thuốc điều trị COVID-19 như sau ( người lớn và nếu không bị bệnh kèm khác như suy gan, suy thận, loét tiêu hóa…):
+ Dexamethasone 6mg (12 viên 0,5mg) x 1 lần/ngày, nên uống vào buổi sáng sau ăn (uống trong 3 ngày). Nếu không có dexamethasone, có thể thay bằng methylprednisolone 32mg/ngày hoặc prednisolone 40mg/ngày, tốt nhất sau ăn sáng.
+ Rivaroxaban 10 mg x 1 lần/ngày sau ăn (uống trong 3 ngày). Nếu không có rivaroxaban, có thể thay bằng apixaban 2,5 mg x 2 lần/ngày sau ăn.
Dù vậy, đây chưa phải là thuốc điều trị chính thức và người bệnh cần chuyển ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Giai đoạn phục hồi không nhất thiết phải dùng thuốc điều trị COVID-19
Thông thường sau 14 ngày kể từ khi có triệu chứng, nồng độ virus trong cơ thể sẽ giảm và nếu người bệnh đến giai đoạn này thì có thể sẽ không có chuyển biến nào thêm.
Vì vậy, giai đoạn này không nhất thiết phải dùng thuốc điều trị COVID-19. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng hậu COVID-19 ở giai đoạn này như mất vị giác, khó thở, tim nhanh, nhức đầu… Đó là vì sau bệnh, các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương nên có thể dẫn đến một số triệu chứng hậu COVID-19.
Các triệu chứng này không nghiêm trọng và cần thời gian để hồi phục hoàn toàn. Đa số người bệnh sẽ hết các triệu chứng này sau 1 tháng hoặc lâu hơn. Người bệnh cần tư vấn tập các bài tập phù hợp như tập thở để cải thiện triệu chứng liên quan.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02