Sử dụng hiệu quả thuốc giảm đau dạ dày
Thuốc trung hòa acid (antacid)
Đây là nhóm thuốc OTC có tác dụng trung hòa axit dịch vị ở dạ dày, giúp giảm triệu chứng ợ nóng, giảm đau, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu. Do thuốc không có khả năng ức chế quá trình tiết acid nên chỉ được dùng để giảm triệu chứng ngắn hạn.
Liều lượng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng. Nếu quên 1 liều, cần uống sớm nhất có thể, không tự ý tăng liều gấp đôi.
Đối với dạng viên nhai, cần nhai thật kỹ trước khi nuốt để hiệu quả giảm đau nhanh hơn, sau đó, uống 1 ly nước lọc để làm sạch khoang miệng. Đối với dạng thuốc lỏng, lắc đều thuốc trước khi dùng. Không nên uống chung với các đồ uống khác vì có thể làm giảm hiệu lực của thuốc.
Thời điểm tốt nhất để dùng thuốc trung hòa acid là ngay sau bữa ăn hoặc khi có cơn đau (hay khó chịu). Do vấn đề tương tác thuốc nếu có thể, nên dùng thuốc trung hòa acid cách xa ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi uống các thuốc sau: Thuốc kháng H2, kháng sinh nhóm cycline, kháng sinh nhóm fluoroquinolone, digoxin, muối sắt,...
Một số thuốc trị đau dạ dày cần phải nuốt nguyên viên.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) là một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong lâm sàng do tác động đến chốt chặn cuối cùng của quá trình tiết axit bằng cách ức chế mạnh bơm H+/K+ ATPase đóng vai trò bài tiết proton ở dạ dày. Một số thuốc thuộc nhóm này tiêu biểu hiện đang dùng như: omeprazole, esomeprazole, rabeprazole, pantoprazole, lansoprazole, dexlansoprazole.
Do các PPI là tiền thuốc và không bền trong môi trường axit nên thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hay viên nang bao tan trong ruột. Những dạng thuốc này không nên bẻ nhỏ, nhai hay nghiền nát viên thuốc trước khi uống mà phải uống nguyên viên. PPI đạt hiệu quả tốt nhất khi uống trước ăn 30-60 phút để thuốc có thời gian hấp thu và hoạt hóa thành chất có tác dụng.
Thuốc kháng thụ thể H2
Nhóm thuốc chẹn H2 ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 của tế bào thành, do đó ngăn cản sự tiết axit dịch vị. Một số thuốc phổ biến thuộc nhóm này bao gồm: cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine. Do có hiệu quả ức chế dịch vị không hoàn toàn và có tác dụng hạn chế trong ức chế acid sau bữa ăn nên nhóm thuốc này ít được ứng dụng trên lâm sàng hơn so với PPI. Tuy nhiên, thuốc có hiệu quả tốt trong việc ức chế bài tiết axit vào ban đêm nên thường được dùng cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.
Cimetidine là thuốc kháng H2 thế hệ 1, thường gây các tác dụng phụ như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đặc biệt nếu dùng lâu có thể gây vú to có hồi phục ở nam giới, rối loạn cương dương. Các thuốc thế hệ mới ít gây tác dụng phụ hơn và cho tác dụng mạnh hơn cimetidine.
Thời gian tác dụng của các thuốc ức chế thụ thể histamine H2 thường ngắn, cần uống nhiều lần trong ngày.
Thuốc tăng cường hệ thống bảo vệ niêm mạc
Sucralfate: Đây là muối nhôm của sulfat disacaride, giúp tạo một phức hợp với các protein của dịch rỉ kết dính với ổ loét, làm thành một hàng rào ngăn cản tác dụng của acid, pepsin và mật. Ngoài ra, sucralfate còn ức chế hoạt động của pepsin, gắn với muối mật, làm tăng sản xuất prostaglandin E2 và dịch nhầy dạ dày. Vì vậy, không nên uống trong lúc ăn mà phải uống sucralfate lúc bụng đói để có tác dụng bao niêm mạc tốt hơn.
Một lưu ý đối với những bệnh nhân loét dạ dày tá tràng có phối hợp nhiều thuốc là không được uống thuốc cùng lúc với antacid vì antacid có thể ảnh hưởng đến quá trình gắn vào niêm mạc dạ dày của sucralfat. Do đó, nên uống antacid trước hoặc sau khi uống sucralfate 30 phút.
Bismuth: Do có ái lực bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét dạ dày mà không có tác dụng đối với niêm mạc dạ dày bình thường nên bismuth thường được dùng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Bên cạnh đó, thuốc còn có tác dụng kích thích tiết prostaglandin (yếu tố bảo vệ niêm mạc) và tăng tiết nhầy, góp phần diệt vi khuẩn H. pylori.
Tuy nhiên, đối với những người có bệnh lý về đường tiêu hóa, cần uống bismuth trước khi ăn từ 15-30 phút, uống với nhiều nước.
DS. Quỳnh Như
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02