Những loại thuốc người bệnh hen cần thận trọng khi sử dụng
Nhiều loại thuốc thông thường có thể có tác dụng phụ ngoài ý muốn là làm khởi phát cơn hen. Vì vậy, người bị bệnh hen suyễn, cần phải biết về các loại thuốc này để tránh gây nguy hiểm khi dùng thuốc.
1. Các yếu tố khởi phát cơn hen
Hen suyễn là một chứng rối loạn hô hấp mãn tính, đặc trưng bởi các cơn khó thở và thở khò khè tái phát.
Mặc dù nguyên nhân cơ bản của bệnh hen suyễn vẫn chưa được hiểu hoàn toàn, nhưng các yếu tố nguy cơ để phát triển bệnh là các tác nhân gây hen suyễn do hít thở, bao gồm:
- Các chất gây dị ứng như mạt bụi nhà, bụi thảm và đồ nội thất, đồ nhồi bông, lông thú cưng, phấn hoa và nấm mốc
- Khói thuốc lá, ô nhiễm không khí và hóa chất kích ứng
- Các tác nhân khác có thể bao gồm không khí lạnh, kích thích cảm xúc tột độ như tức giận hoặc sợ hãi hay hoạt động gắng sức...
Ở một số người, cơn hen suyễn có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc.
Ở một số người, hen suyễn thậm chí còn có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc, như aspirin, các loại thuốc chống viêm không steroid, thuốc chẹn beta (được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, bệnh tim và chứng đau nửa đầu).
Theo ước tính của WHO, trên toàn cầu hiện có 339 triệu người mắc bệnh hen suyễn. Mặc dù bệnh hen suyễn không thể chữa khỏi nhưng việc quản lý thích hợp có thể kiểm soát tình trạng rối loạn và giúp mọi người có được chất lượng cuộc sống tốt. Ngoài ra, một số trẻ mắc các dạng hen suyễn nhẹ hơn sẽ phát triển các triệu chứng của chúng theo độ tuổi.
2. Những loại thuốc người bệnh hen cần thận trọng
2.1 Thuốc giảm đau
Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID) bao gồm một số loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến, như ibuprofen và naproxen, có thể gây ra các triệu chứng ở một số người bị hen suyễn.
Aspirin còn được gọi là axit acetylsalicylic thuộc nhóm thuốc NSAID, viết tắt của thuốc chống viêm không steroid. Aspirin và NSAID được sử dụng để điều trị viêm, sốt và đau.
Khoảng 10% bệnh nhân hen suyễn nhạy cảm với aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid ức chế cyclooxygenase-1, còn được gọi là chất ức chế COX-1. Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ, sự nhạy cảm có thể dẫn đến một cơn hen suyễn hoặc co thắt phế quản nghiêm trọng để phản ứng với việc uống hoặc hít phải NSAID.
Không chỉ aspirin mà ibuprofen và naproxen cũng ngăn chặn COX-1 và có thể gây ra phản ứng tương tự.
Người bệnh hen cần thận trọng khi sử dụng thuốc aspirin.
Phản ứng với aspirin/NSAID thường bắt đầu trong vòng vài phút hoặc tối đa 2 giờ sau khi dùng thuốc. Các triệu chứng là chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa mắt, sưng hoặc phát ban, đau dạ dày và khó thở…
2.2 Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, bệnh tim, đau nửa đầu, cường giáp, thuốc nhỏ mắt dùng cho bệnh tăng nhãn áp.
Ở những bệnh nhân bị hen suyễn đã được chẩn đoán trước đó, thuốc chẹn beta có thể làm tăng tình trạng tắc nghẽn phế quản và phản ứng của đường thở. Thuốc cũng làm giảm hiệu quả của các loại thuốc hen suyễn thông thường như albuterol và terbutaline. Thuốc chẹn beta được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen kịch phát.
Có hai loại thụ thể beta: Beta-1 và beta-2. Trái tim có nhiều thụ thể beta-1, đường thở có nhiều thụ thể beta-2 hơn. Thuốc chẹn beta không chọn lọc chặn cả hai loại thụ thể. Nhưng có những thuốc chẹn beta khác nhắm vào các thụ thể beta-1 được gọi là thuốc chẹn beta "chọn lọc tim mạch".
Thuốc chẹn beta thường được sử dụng sau cơn đau tim để cải thiện khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống. Nếu người bệnh hen cần phải dùng thuốc chẹn beta, bác sĩ kê đơn có thể giới thiệu một loại thuốc chẹn beta "chọn lọc tim mạch".
Thuốc ức chế men chuyển được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, bệnh tim... Tác dụng phụ phổ biến của việc dùng thuốc ức chế men chuyển là ho. Ngay cả những người không bị hen suyễn cũng có thể bị ho khi đang dùng thuốc ức chế men chuyển.
Mặc dù thuốc thường không gây ra bệnh hen suyễn, nhưng một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân dùng những loại thuốc này bị ho. Chứng ho này có thể gây ra tình trạng thở khò khè gia tăng.
Ho có thể bắt đầu trong vòng một ngày hoặc vài tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc ức chế men chuyển và tiếp tục trong nhiều ngày hoặc đến 4 tuần sau khi ngừng thuốc.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02