Những loại thuốc gây hội chứng 'đứng ngồi không yên'
Tình trạng "đứng ngồi không yên" không thể kiểm soát là một phản ứng có hại của một số loại thuốc. Vậy những loại thuốc nào có thể gây ra hội chứng này?
1. Hội chứng đứng ngồi không yên là gì?
"Không ngồi yên" xuất phát từ tiếng Hy lạp là akathisia, đề cập đến một trạng thái tinh thần bị kích động gây ra các triệu chứng có thể bao gồm mất ngủ, bồn chồn, cảm giác kiến bò trên da, lo lắng và gia tăng các chuyển động thể chất, đứng ngồi không yên cuối cùng có thể dẫn đến ý định tự tử hoặc bạo lực.
Akathisia đề cập đến một trạng thái tinh thần bị kích động.
Akathisia không phải là một bệnh lý, mà là tác dụng phụ của một số loại thuốc. Nó thường là tác dụng phụ của các loại thuốc chống loạn thần thế hệ cũ được sử dụng để điều trị các bệnh như tâm thần phân liệt. Mặc dù thường liên quan đến các loại thuốc chống loạn thần cũ nhưng hội chứng này cũng có thể xảy ra ở những người bắt đầu điều trị bằng các loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới.
Akathisia được chia thành 3 loại tùy theo sự khởi phát và thời gian tồn tại:
- Chứng akathisia cấp tính phát triển ngay sau khi bắt đầu dùng thuốc chống loạn thần và kéo dài dưới 6 tháng.
- Akathisia mãn tính kéo dài hơn 6 tháng.
- Chứng akathisia chậm phát triển sau một thời gian dài sử dụng thuốc chống loạn thần.
2. Các loại thuốc có thể gây chứng "đứng ngồi không yên"
Akathisia có thể được gây ra bởi hơn 100 loại thuốc khác nhau, bao gồm thuốc chống loạn thần và chất ức chế tái hấp thu serotonin. Đây là những loại thuốc đầu tay phổ biến để điều trị bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực và các bệnh tâm thần khác.
Các loại thuốc này cũng thường được kê đơn vì các lý do không liên quan đến sức khỏe tâm thần, như mụn trứng cá, hen suyễn hoặc huyết áp cao…
Akathisia có thể được gây ra bởi hơn 100 loại thuốc khác nhau, bao gồm thuốc chống loạn thần và chất ức chế tái hấp thu serotonin.
Phản ứng có hại này có thể xảy ra sau khi bắt đầu sử dụng thuốc, tăng liều hoặc chuyển sang dùng thuốc thay thế. Các loại thuốc loạn thần thế hệ cũ có nhiều khả năng gây ra chứng akathisia bao gồm: Chlorpromazine, haloperidol, perphenazine và flupenthixol.
Mặc dù các loại thuốc loạn thần thế hệ cũ có mối liên hệ lớn nhất với việc gây ra chứng đứng ngồi không yên, nhưng các thuốc chống loạn thần thế hệ mới cũng có thể là nguyên nhân. Những loại thuốc này được gọi là thuốc chống loạn thần không điển hình và bao gồm những loại thuốc như olanzapine, risperidone, lurasidone, ziprasidone, quetiapine và paliperidone.
Một số nghiên cứu cho rằng akathisia xảy ra do thuốc chống loạn thần ngăn chặn các vùng não nhạy cảm với dopamine. Dopamine là một chất hóa học giúp kiểm soát chuyển động. Với những vùng não này ít có khả năng nhận được tín hiệu dopamine, chuyển động của một người có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi lý thuyết này có thể đúng đối với các loại thuốc chống loạn thần, nhưng một số loại thuốc khác cũng có thể gây ra chứng akathisia bao gồm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
- Thuốc chẹn kênh canxi.
- Thuốc an thần.
- Thuốc chống buồn nôn.
- Thuốc điều trị chóng mặt.
3. Xử trí như thế nào?
Chứng đứng ngồi không yên thường cải thiện sau khi ngừng loại thuốc nghi ngờ. Hiện nay, có một số phương pháp điều trị khác nhau, phổ biến nhất là sử dụng thuốc chẹn beta như ativan và propranolol. Tuy nhiên những phương pháp này vẫn chưa được nghiên cứu đủ để đưa ra kết luận về phương pháp điều trị tốt nhất cho akathisia. Một số biện pháp khắc phục như sử dụng vitamin B6, mát-xa có thể hữu ích nhưng cũng chưa được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ - FDA chấp thuận.
Vì akathisia thường xảy ra do thay đổi liều lượng, bắt đầu và ngừng thuốc, nên trong qúa trình sử dụng thuốc người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu bất thường. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị để kiểm soát và tìm ra giải pháp phù hợp.
4. Các yếu tố rủi ro
Không phải người nào đang dùng một trong những loại thuốc kể trên cũng có thể gặp tình trạng này. Tuy nhiên, những cá nhân có thể có nhiều nguy cơ phát triển akathisia bao gồm các nhóm sau:
- Những người dùng liều cao thuốc chống loạn thần thế hệ cũ.
- Những người mắc một số tình trạng y tế bao gồm Parkinson, chấn thương sọ não...
Điều cần thiết là phải điều trị akathisia càng sớm càng tốt. Trong hầu hết các trường hợp, việc ngừng dùng thuốc sẽ làm biến mất chứng akathisia. Tuy nhiên, một số người có thể tiếp tục gặp các triệu chứng nhẹ ngay cả sau khi ngừng thuốc.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngừng bất kỳ loại thuốc nào để ngăn ngừa các biến chứng khác có thể xảy ra nếu đột ngột ngừng dùng thuốc chống loạn thần. Bởi đột ngột dừng thuốc có thể khiến bệnh tâm thần trở nên tồi tệ hơn thậm chí có thể dẫn đến ý định tự tử.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02