Mùa dịch, đề phòng nguy cơ ngộ độc thuốc cảm chứa paracetamol ở trẻ em
Ghi nhận tại nhiều hiệu thuốc, trong những ngày qua, số người đến hỏi mua các loại thuốc liên quan đến bệnh cảm cúm tăng nhiều so với trước. Trong đó, bán chạy nhất là các loại thuốc giảm đau, hạ sốt có chứa paracetamol. Tuy nhiên, điều đáng lo là nhiều gia đình chưa cất giữ thuốc cẩn thận hoặc để thuốc trong các hộp đựng bánh/kẹo làm trẻ tưởng nhầm có thể ăn được.
Sau khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, người được tiêm chủng có thể gặp một số phản ứng sau tiêm. Các dấu hiệu phản ứng xảy ra chứng tỏ vắc-xin đang kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch. Đây là một phần của quá trình huấn luyện hệ miễn dịch cách nhận diện mục tiêu và tiêu diệt virus SARS-CoV-2 nếu mắc phải. Tùy theo cơ địa của từng cá thể mà vắc-xin có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn như đau, sưng tấy tại nốt tiêm, mệt mỏi, đau đầu, sốt và ớn lạnh.
Theo khuyến nghị của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong tình huống trên, có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, aspirin, hay acetaminophen sau khi tiêm để giảm bớt khó chịu, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng thuốc. Nếu sốt nhẹ dưới 38 độ C, thường không cần dùng thuốc. Những trường hợp sốt cao trên 38 độ C cần theo dõi, nếu thân nhiệt không giảm hoặc không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường cần đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Đặc biệt là những gia đình có trẻ tầm 2 - 3 tuổi, lứa tuổi rất thích khám phá nên nguy cơ uống nhầm thuốc của người lớn là rất dễ xảy ra. Hơn nữa thời gian này, trẻ nghỉ dịch ở nhà nếu không có người lớn trông coi thì nguy cơ uống nhầm thuốc là hiện hữu. Đã có không ít trường hợp ngộ độc liên quan đến việc tồn trữ, sử dụng thuốc trong gia đình, nhất là do để thuốc lẫn lộn với những vật dụng khác khiến trẻ em dễ dàng lấy uống.
Nguy hiểm khi trẻ bị ngộ độc thuốc
Paracetamol ở liều điều trị thông thường khá an toàn và là thuốc thông dụng nhất hiện nay để giảm đau, hạ sốt. Nhưng thuốc sẽ gây độc khi dùng quá liều, dùng liên tục kéo dài. Điều này là do paracetamol được chuyển hoá ở gan. Khi uống quá liều paracetamol sẽ gây độc với gan, tổn thương gan. Do đó chỉ cần hai ngày liền dùng trên 3g paracetamol (tức là 6 viên 500mg) là đã có nguy cơ viêm gan ngay cả với người khỏe mạnh.
Đối với trẻ, vì cân nặng cơ thể thấp nên dễ quá liều, hơn nữa chức năng khử độc và thải độc của gan và thận chưa hoàn thiện nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi thuốc. Nếu trẻ uống 150mg/kg cân nặng trong một ngày là có nguy cơ bị ngộ độc
Theo báo cáo tại các trung tâm cấp cứu trên cả nước, ghi nhận không ít trường hợp nhập viện cấp cứu vì ngộ độc paracetamol. Đáng lưu ý là trong số đó có không ít trường hợp là trẻ em. Việc uống lượng lớn thuốc có thể gây hại cho gan của trẻ và đôi khi gây tổn thương cả thận.
Khi ngộ độc paracetamol sẽ có biểu hiện: Mệt mỏi, buồn nôn, nôn, khó chịu, vã mồ hôi, đau bụng, chán ăn, rối loạn ý thức, đau hạ sườn phải, tăng cảm giác đau, vàng da, tiểu ít... nặng thì rơi vào trạng thái suy đa phủ tạng, hôn mê, sốc, có thể tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Vì thế, với các thuốc hạ đau, giảm sốt không được dùng tuỳ tiện.
Cần làm gì để phòng tránh
Thuốc là sản phẩm đặc biệt liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên cần được cất giữ, bảo quản tốt chứ không thể để bừa bãi, lẫn lộn với những vật dụng khác trong gia đình. Nơi đặt thuốc phải bảo đảm trẻ em không với tới, hoặc tủ phải có khóa để trẻ không mở được.
Khi sử dụng các loại thuốc này tại nhà cần lưu ý:
Chỉ cân nhắc sử dụng paracetamol nếu trẻ bị đau hoặc nhiệt độ trên 38,5 ° C (đo qua nách) và cảm thấy khó chịu. Luôn sử dụng nhiệt kế để xác định xem trẻ có bị sốt hay không.
Việc tuân thủ liều quy định cũng hết sức quan trọng. Theo khuyến nghị, liều dùng tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10mg -15mg/kg. Mối lần uống thuốc cách nhau 4-6 giờ, trong 1 ngày và không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần. Nếu sau khi uống thuốc, cơn sốt xuất hiện khi chưa quá 4 giờ thì không được dùng thuốc ngay mà phải sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như uống nhiều nước, chườm nước ấm, cởi bỏ quần áo...
Hiện trên thị trường có hàng trăm loại thuốc chứa hoạt chất này ở dạng đơn chất hoặc phối hợp thêm với một hoặc vài dược chất khác. Cần chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, để tránh tình trạng uống các loại thuốc khác nhau nhưng có cùng hoạt chất là paracetamol, gây quá liều, ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Dùng thuốc phải theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Không sử dụng thuốc của người lớn cho trẻ em. Việc chia liều từ thuốc của người lớn cho trẻ sẽ không chính xác dễ gây quá liều hoặc như trường hợp trên lấy nguyên viên thuốc hàm lượng 500mg của người lớn cho trẻ dùng đã dẫn tới suy gan cấp. Không dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Nếu con bạn dùng các loại thuốc khác hoặc mắc các bệnh nội khoa khác, cần hỏi bác sĩ để biết liệu việc sử dụng paracetamol có ảnh hưởng không.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02