Một số thuốc không dùng hoặc cần thận trọng dùng cho trẻ em
Một số thuốc nhất định có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, tăng trưởng của trẻ, hoặc do sự khác biệt về dược động học nên gây ra nhiều bất lợi không mong muốn... nên không dùng hoặc thận trọng khi dùng điều trị bệnh ở trẻ em.
1. Vì sao trẻ em có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc cao hơn?
Ở trẻ em, do đặc điểm sinh lý cũng như các bộ phận cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Chức năng thải độc của gan, chức năng lọc của thận chưa đầy đủ. Quá trình chuyển hóa và thải trừ thuốc diễn ra kém, thuốc dễ bị tích lũy trong cơ thể.
Cơ thể người trưởng thành có khoảng 70% nước, nhưng nước chiếm 80% trong cơ thể trẻ em. Trẻ cũng chưa phát triển cơ bắp. Các thuốc tan trong nước lại có thể tích phân bố rộng. Rất nhiều thuốc ở trẻ em phải dùng liều cao hơn người lớn mới cho hiệu quả điều trị, nhưng dùng thuốc liều cao lại khiến nguy cơ tác dụng phụ cao hơn.
Bất kỳ loại thuốc nào cũng có khả năng gây tác dụng phụ bất lợi cho trẻ, không nên tự ý dùng.
Da của trẻ em có hàng rào biểu mô chưa trưởng thành, khả năng hấp thu thuốc qua da rất lớn. Vì thế trẻ dễ bị kích ứng khi dùng thuốc bôi ngoài da. Thậm chí, khi bôi thuốc ngoài da trên diện rộng còn có thể tác dụng gây độc toàn thân.
Hệ vi sinh đường ruột chưa đầy đủ, sự bài tiết acid dạ dày chưa hoàn thiện, nên khả năng hấp thu thuốc ở đường tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng. Sự hình thành muối mật, thời gian rỗng dạ dày, chiều dài ruột và bề mặt hấp thụ hiệu quả cũng như chuyển động ruột… đều ảnh hưởng đến khả năng tăng hoặc giảm hấp thu thuốc trên đường tiêu hóa của trẻ.
Chính vì thế, trẻ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc cao hơn người lớn.
Dựa vào tính chất hóa lý dược và sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể trẻ, các nhà khoa học chia lứa tuổi trẻ em dùng thuốc bắt đầu từ khi sinh ra tới 6 tuổi; từ 6 tới 12 tuổi và dưới 18 tuổi sẽ dùng thuốc khác nhau.
2. Một số thuốc không nên dùng hoặc thận trọng dùng cho trẻ em
Sử dụng thuốc ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu không đúng sẽ gây ra nhiều bất lợi. Tác dụng phụ, thậm chí tử vong, đã xảy ra ở trẻ em được điều trị bằng các thuốc không cần kê đơn trong cảm lạnh. Vì thế, các gia đình cần nắm rõ các loại thuốc không được dùng hoặc khi buộc phải dùng thì hết sức thận trọng.
2.1 Thuốc kháng sinh
- Kháng sinh nhóm aminoglycoside: Streptomycin, gentamycin, neomycin… được chỉ định để điều trị vi khuẩn lao đa kháng thuốc và các bệnh nhiễm trùng không phải bệnh lao khác. Thuốc có độc tính dễ gây điếc vĩnh viễn, do vậy có thể dẫn đến câm, nếu dùng cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.
- Nhóm tetracyclin: Doxycyclin, minocyclin là kháng sinh phổ rộng, được sử dụng để điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn khác nhau, bao gồm cả mụn trứng cá. Thuốc ảnh hưởng xấu đến các mô đang phát triển như răng, xương. Do đó, không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi do thuốc này làm chậm phát triển xương, làm cho răng có màu vàng nâu vĩnh viễn. Tetracyclin còn làm căng thóp ở trẻ sơ sinh.
- Nhóm quinolon: Ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin... được ứng dụng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Viêm tuyến tiền liệt.
- Viêm nhiễm vùng chậu hông.
- Nhiễm khuẩn tiêu hóa do E.cli, S.typhi.
- Viêm phúc mạc.
- Viêm đường hô hấp dưới.
- Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.
- Nhiễm khuẩn xương khớp, mô mềm.
- Viêm xoang.
- Bệnh lậu…
Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là tác động lên sự phát triển sụn. Nếu dùng cho trẻ sẽ dẫn đến tình trạng lùn ở trẻ. Tác dụng phụ nguy hiểm khác là gây viêm đứt gân, đứt gân achilles. Do đó, không được dùng cho trẻ dưới 16 tuổi.
- Nhóm phenicol: Thiamphenicol, cloramphenicol là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng. Thuốc có độc tính gây ức chế tủy xương, ảnh hưởng quá trình tạo máu dẫn đến thiếu máu; viêm thần kinh thị giác; hội chứng xám gây tím tái, trụy mạch. Do vậy thuốc hiện nay chỉ sử dụng khi không có lựa chọn khác. Tuyệt đối không dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng.
- Nhóm lincosamid: Lincomycin, clindamycin… có tác dụng trên một số chủng vi khuẩn kỵ khí. Thuốc gây tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc có thể dẫn đến viêm gan, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, tử vong... Không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Nhóm sulfamid: Sulfaguanidin, sulfadiazin, sulfasalazin, sulfamethoxazol... có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn hệ thống tạo máu, dị ứng, nguy cơ gây sỏi. Ngoài ra còn gây đái tháo đường ở trẻ. Không được dùng nhóm này cho trẻ sơ sinh.
Cho trẻ đi khám bệnh trước khi dùng thuốc.
2.2 Nhóm dẫn xuất opium
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc dẫn xuất opium (thuốc phiện), bao gồm:
- Thuốc giảm đau gây nghiện morphin, dolacgan…
- Thuốc ho: Ho long đờm, terpicod...
- Thuốc cầm tiêu chảy: Sái thuốc phiện, viên rửa opizoic…
Các loại thuốc trên không được dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi vì có thể gây ngừng thở dẫn đến tử vong do ức chế trung tâm hô hấp.
2.3 Vitamin
Đây là nhóm thuốc dễ bị các gia đình tự ý cho trẻ sử dụng nhất vì nghĩ rằng vitamin không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên khi dùng bất kỳ loại thuốc gì nếu lạm dụng đều gây tác tại.
Các loại vitamin tan trong dầu như vitamion A, D, K, E dễ tích lũy trong cơ thể và gây độc. Do vậy chỉ dùng khi có chỉ định và không dùng kéo dài.
Không dùng quá liều quy định đối với vitamin PP vì gây giãn mạch, tụt huyết áp.
Các loại vitamin khác như B1, B2, B6. B12, C… nếu dùng liều cao kéo dài cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn.
2.4 Corticoid
Là thuốc kháng viêm tác dụng mạnh, có mặt trong nhiều loại thuốc như kem bôi ngoài da, thuốc xịt mũi, thuốc uống… với các tên biệt dược khác nhau. Phụ thuộc vào mục đích sử dụng, thuốc được dùng để giảm đau, chống viêm, ức chế miễn dịch hay điều trị thay thế. Liều lượng và thời gian sử dụng các loại corticoid cũng rất khác nhau.
Phụ huynh lưu ý tên hoạt chất của thuốc này. Không tự ý sử dụng, đặc biệt với các thuốc sau:
- Không dùng các loại corticoid thải trừ chậm như kcort, retacort… vì chúng sẽ gây teo cơ tại chỗ tiêm, loãng xương, giảm sức đề kháng của cơ thể.
- Các loại khác như prednisolone, dexamethasone phải dùng đúng liều, đúng lúc, đúng thời gian… Thuốc không được dùng kéo dài vì có nhiều tác dụng phụ có hại như suy tuyến thượng thận, loãng xương, giảm sức đề kháng (do tác dụng ức chế miễn dịch), giữ muối, giữ nước, tăng đào thải kali, tăng đường huyết…
Trường hợp trẻ phải dùng thuốc trong thời gian dài theo chỉ định, không được tự ý ngừng thuốc mà phải giảm liều từ từ theo chỉ định.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02