Không được uống rượu khi dùng 7 loại thuốc sau
Uống rượu đã luôn được khuyến cáo là không tốt cho sức khỏe. Dùng thuốc mà uống rượu còn nguy hiểm hơn. Dưới dây là một số loại thuốc có thể tương tác với rượu, dẫn đến những hậu quả từ nhẹ đến khó lường như buồn nôn, nôn, nhức đầu, tổn thương gan…
1. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau opioid có thể gây tương tác rượu và thuốc, dẫn đến các tác dụng phụ như chóng mặt, làm chậm nhịp thở, tăng nguy cơ quá liều, gây tổn thương gan…
Rượu cũng có thể làm tăng tác dụng an thần của opioid, dẫn đến buồn ngủ quá mức và suy giảm khả năng phối hợp. Có thể kể đến một số loại thuốc giảm đau thuộc nhóm này bao gồm tramadol, oxycodone và hydrocodone…
Bên cạnh đó, các loại thuốc giảm đau không kê đơn như thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (aspirin, ibuprofen, naproxen), acetaminophen khi uống cùng rượu có thể gây chảy máu trong cũng như loét dạ dày (đối với thuốc NSAIDs), tổn thương gan (đối với acetaminophen).
2. Thuốc kháng sinh
Một số loại kháng sinh như azithromycin, metronidazole có thể tương tác với rượu gây ra các triệu chứng buồn nôn, nôn, nhức đầu, đỏ bừng mặt. Trong khi đó, rượu có thể làm giảm tác dụng của thuốc kháng sinh penicillin và tetracycline, bằng cách cản trở khả năng hấp thụ thuốc đúng cách của cơ thể.
Ngoài ra, rượu có thể gây tác dụng phụ làm tăng say rượu khi đang dùng thuốc kháng sinh erythromycin.
3. Thuốc chống trầm cảm
Sử dụng rượu trong quá trình dùng thuốc chống trầm cảm có thể nguy hiểm và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như tăng chóng mặt, buồn ngủ, tăng nguy cơ quá liều, thở khó, suy giảm khả năng phối hợp…
Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ co giật, tổn thương gan và các biến chứng khó lường khác. Theo đó, cần lưu ý không được uống rượu khi đang điều trị các thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) và thuốc chống trầm cảm ba vòng.
4. Thuốc làm loãng máu
Rượu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng chung với thuốc làm loãng máu như warfarin. Đặc biệt, nếu uống nhiều rượu, thuốc có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm, có thể kể đến như hình thành cục máu đông, đột quỵ và đau tim… Nó cũng làm giảm hiệu quả của loại thuốc này.
Tương tác giữa rượu và thuốc là điều cần tránh trong quá trình điều trị bệnh
5. Thuốc kháng histamin
Dùng rượu chung với thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, tăng nguy cơ quá liều. Điều này có thể làm tăng nguy cơ té ngã và tai nạn, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Các thuốc kháng histamin cụ thể không nên uống cùng rượu như brompheniramine, cetirizine, chlorpheniramine, diphenhydramine…
6. Thuốc huyết áp
Tương tác giữa rượu và một số loại thuốc huyết áp bao gồm captopril, felodipine, nifedipine, thuốc lợi tiểu chẳng hạn như hydrochlorothiazide có thể gây ra các biểu hiện chóng mặt, buồn ngủ, ngất xỉu, các vấn đề về tim như rối loạn nhịp tim…
7. Thuốc giãn cơ
Các thuốc giãn cơ như carisoprodol và cyclobenzaprine gây ra một số tác dụng phụ khi dùng chung với rượu như chóng mặt, buồn ngủ, thở chậm hoặc khó, tăng nguy cơ co giật. Rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ quá liều đối với các thuốc nói trên.
Như vậy, có thể thấy, tương tác giữa rượu và thuốc là tương tác bất lợi cần tránh trong quá trình điều trị bệnh. Việc uống thuốc với uống rượu nên được quản lý chặt chẽ về thời gian, liều lượng để đảm bảo không gây ra các phản ứng không tốt trong cơ thể, đồng thời đạt được hiệu quả tích cực trong điều trị bệnh. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ trong vấn đề dùng thuốc.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02