Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine
Sáng nay 10/5, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y) tế phối hợp với Sở Y tế tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine”
Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long
Nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP), hiện nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, cả về sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an trên toàn quốc có khoảng hơn 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Nghiện ma túy được coi là bệnh mạn tính của não bộ, hiện chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lên đến trên 90%. Vì vậy, trên thế giới, điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế hiện được coi là một trong những giải pháp ưu việt nhất hiện nay, chủ yếu là điều trị bằng Methadone và Buprenorphine.
Với người nghiện các chất dạng thuốc phiện, hiện cả nước đã có hơn 54.000 người đang được điều trị bằng Methadone. Mặc dù Methadone là biện pháp an toàn và hiệu quả cao, tuy nhiên, việc bệnh nhân phải đến cơ sở y tế hàng ngày để uống cũng là một trở ngại trong duy trì điều trị nhất là với bệnh nhân các tỉnh miền núi hoặc vùng sâu vùng xa. Buprenorphine ngoài lợi ích tương tự như Methadone là giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm lệ thuộc vào heroin hoặc thuốc phiện, giảm hội chứng cai; phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C; Giảm tử vong do dùng quá liều heroin; Giảm các hành vi phạm pháp; Giúp người nghiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội, lao động và hòa nhập cộng đồng thì do thuốc tác dụng kéo dài nên khi điều trị bằng Buprenorphine người bệnh chỉ cần 2-3 ngày mới phải đến cơ sở y tế một lần. Từ đó cũng giảm đáng kể thời gian đi lại cho người bệnh nhất là những bệnh nhân ở xa. Do không có tương tác thuốc, nên điều trị Buprenorphine ở người nghiện ma túy nhiễm HIV đang điều trị ARV cũng không cần phải tăng liều thuốc ARV.
Trên thế giới, Buprenorphine được sử dụng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện từ năm 1995 tại Pháp và hiện nay đã có 40 quốc gia trên thế giới áp dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa Buprenorphine vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005. Theo báo cáo của WHO năm 2015, khu vực châu âu có tới 59% các nước đang triển khai điều trị bằng Buprenorphine.
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Buprenorphine đã được thí điểm ban đầu từ năm 2015 trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả của điều trị Buprenorphine cho thấy rất nhiều ưu điểm cụ thể:
Thuốc có tác dụng kéo dài tới 72 giờ, do vậy bệnh nhân ngậm thuốc 2-3 ngày/lần nên giảm thời gian đi lại tới cơ sở y tế.
Không có hoặc không phải tăng liều ARV và liều Buprenorphine khi cùng điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Có tác dụng “trần”, không gây hại khi quá liều và ít tác dụng phụ hơn.
Trên cơ sở kết quả từ các điểm điều trị ban đầu tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Nghệ An trong đợt này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng ra các tỉnh, thành phố trước mắt ưu tiên các tỉnh miền núi và sau đó mở rộng ra trên toàn quốc.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm Buprenorphine nói chung và Điện Biên nói riêng quan tâm đầu tư chỉ đạo, đẩy mạnh không chỉ điều trị nghiện bằng Methadone mà cả Buprenorphine bao gồm các hoạt động truyền thông tạo nhu cầu; cung cấp các điều kiện cần thiết, cơ sở vật chất cũng như chế độ ưu đãi cho người cung cấp dịch vụ theo các quy định hiện hành. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp cận và duy trì điều trị Buprenorphine một cách lâu dài. Ông cũng kêu gọi người nghiện ma túy nhất là những người nghiện các chất dạng thuốc phiện hãy vì sức khỏe của chính bản thân mình, vì hạnh phúc của chính gia đình mình chủ động tìm hiểu thông tin, tiếp cận các cơ sở y tế nhất là cơ sở điều trị nghiện để lựa chọn một biện pháp điều trị nghiện thích hợp.
N.Huyền
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02