Dùng thuốc điều trị mỡ máu cao sao cho hiệu quả?
Mỡ máu cao không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường trên tim mạch như gây tăng huyết áp, bệnh động mạch cảnh, động mạch vành, động mạch ngoại biên, tai biến, suy tim…
1. Mỡ máu cao khi nào?
Mỡ máu cao, hay còn gọi là máu nhiễm mỡ hay tăng cholesterol máu.
Tình trạng này đặc trưng bởi hiện tượng tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể.
TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, mỡ máu cao không phải chỉ do ăn mỡ mà là do ăn các thực phẩm thừa năng lượng.
Khi tiêu thụ thức ăn béo, hầu hết mỡ hình thành dưới dạng chất béo trung tính, gọi là triglycerid hoặc khi ăn các loại thực phẩm quá nhiều bột đường, nhiều calo cũng được chuyển đổi thành triglycerid và lưu trữ bên trong các tế bào mỡ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân dù không ăn mỡ vẫn mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao.
Mỡ máu cao nếu không điều trị sẽ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ, dày thành mạch máu, làm tăng huyết áp, tắc mạch, đặc biệt là mạch máu ở não và mạch vành, gây tai biến, suy tim.
Mỡ máu cao nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.
2. Điều trị mỡ máu cao như thế nào?
Theo TS. BS. Lê Quang Toàn, việc điều trị mỡ máu cao nhằm cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng, bao gồm sử dụng thuốc và duy trì lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh.
Theo đó, TS. Lê Quang Toàn hướng dẫn sử dụng các nhóm thuốc hạ mỡ máu như sau:
2.1. Các nhóm thuốc hạ mỡ máu
- Nhóm statin (simvastatin, atorvastatin, rosuvastain…) có tác dụng làm giảm LDL-cholesterol, giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ, thường bắt đầu sử dụng từ liều thấp. Bác sĩ sẽ chỉ định tăng liều nếu không đạt hiệu quả sau 4 – 6 tuần điều trị.
Lưu ý không dùng nước bưởi khi đang uống thuốc nhóm statin vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của nhóm thuốc này./span>
Nhóm statin có tác dụng làm giảm LDL-cholesterol, giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ./p>
- Nhóm fibrat (fenofibrat, ciprofibrat, berafibrat…) giúp giảm triglyceride, LDL, tăng HDL. Thuốc có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc khác để hạ mỡ máu. Thuốc nên được dùng trong hoặc sau bữa ăn chính.
- Nhóm niacin (niapan, nicoar…) có hiệu quả tốt trong điều trị bệnh mỡ máu. Thuốc có thể được dùng kết hợp với thuốc nhóm statin, hoặc dùng đơn độc trong các trường hợp người bệnh không dung nạp với statin.
- Nhóm renin (cholestyramin, colestipol…) thường dùng phối hợp với nhóm statin hoặc không dung nạp với statin. Không được dùng nhóm thuốc này trong trường hợp triglycerid tăng quá cao.
- Nhóm ức chế sự hấp thu cholesterol (ezetimibe…) có thể dùng kết hợp với nhóm statin hoặc không dung nạp statin, không được dùng khi triglycerid tăng cao.
2.2. Uống thuốc hạ mỡ máu thế nào cho hiệu quả?
Đối với các trường hợp rối loạn mỡ máu nhẹ, người bệnh không mắc các bệnh lý nền kèm theo (ví dụ như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…) thì chưa cần sử dụng thuốc ngay. Thay vào đó, bệnh nhân cần điều chỉnh lối sống bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, bỏ thói quen xấu…
Sau khi đã áp dụng những biện pháp không dùng thuốc nêu trên, nếu tình trạng vẫn không hạ tới mức mong muốn, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Khi dùng thuốc hạ mỡ máu bệnh nhân cần tiếp tục duy trì nghiêm túc chế độ ăn và vận động theo khuyến cáo. Tăng cường các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, dầu olive, các loại quả hạch, đậu đỗ và cá, tránh tiêu thụ mỡ động vật, thực phẩm nhiều cholesterol…
Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề trong sử dụng thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất:
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng thuốc, cách uống thuốc...
- Không uống nước ép bưởi chung với thuốc nhóm statin vì có thể gây tương tác bất lợi nguy hiểm.
- Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác cùng thuốc điều trị mỡ máu nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt, thuốc hạ mỡ máu có thể gây tương tác với một số thuốc như amiodarone, clarithromycin, cyclosporine... dẫn đến những tác dụng phụ khó lường.
- Cần tái khám định kỳ đúng hẹn với bác sĩ để đánh giá tình trạng bệnh cũng như hiệu quả điều trị. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc loại thuốc (nếu cần) giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02