Cuộc chiến giảm giá thuốc ung thư ở Trung Quốc
Hai tuần sau khi phim "Chết để hồi sinh" ra rạp, lay động hàng triệu trái tim, Thủ tướng Lý Khắc Cường đàm phán với một loạt đại gia dược nhằm giảm đến 85% giá thuốc.
Theo Cơ quan An ninh Y tế Quốc gia (NHSA), lượng thuốc mới và tổng lượng thuốc được đàm phán đã đạt kỷ lục mới. Nhiều loại thuốc nhập khẩu sẽ có giá thấp nhất thế giới.
Giá thuốc cao, đặc biệt thuốc điều trị ung thư, từ lâu đã là vấn đề trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc.
Vấn đề này được đề cập trong bộ phim Chết để Hồi sinh (Dying to Survive) phát hành năm 2018, dựa trên câu chuyện có thật về bệnh nhân ung thư bạch cầu tên Lu Yong.
Lu buôn lậu thuốc generic giá rẻ nhập từ Ấn Độ cho các bệnh nhân khác, bị bắt cuối năm 2014 vì tội bán thuốc giả. Hàng trăm khách hàng của anh đệ đơn kiến nghị yêu cầu tòa án khoan hồng, anh được thả tự do vào tháng 1/2017.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo chính phủ Trung Quốc cần có khả năng xử lý tỷ lệ tăng ung thư và các bệnh không truyền nhiễm liên quan tới dân số già của quốc gia này.
Năm 2009, chính quyền Trung Quốc bắt đầu xem xét lại toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, đang cố gắng giải quyết các vấn đề như thiếu bình đẳng trong tiếp cận điều trị, chi phí đắt đỏ, một phần trong kế hoạch cải thiện sức khỏe cộng đồng năm 2030.
NHSA được thành lập năm ngoái, với nhiệm vụ quản lý bảo hiểm y tế và thu mua thuốc, các chức năng từng được các bộ phận khác nhau xử lý trước đây.
"Sự phân tán quyền lực này gây khó khăn trong thực hiện cải cách chăm sóc sức khỏe", Winnie Yip Chi-man, giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Harvard nói.
Ngay sau khi thuốc được bổ sung vào danh sách bồi hoàn, hơn 95% dân số Trung Quốc tham gia bảo hiểm y tế quốc gia cơ bản có thể sử dụng bảo hiểm để chi trả đáng kể chi phí chữa trị. Tổng số thuốc trong danh sách bồi hoàn quốc gia từ năm ngoái tới nay tăng hơn gấp ba lần từ 685 lên 2.709.
Yang Songbo, 78 tuổi, sống tại Thượng Hải cho hay giá thành thuốc giảm khiến ông yên tâm hơn rất nhiều sau khi được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối hồi tháng Hai. Từ tháng 9, ông bắt đầu sử dụng thuốc Tagrisso.
"Trước khi được thêm vào danh sách bồi hoàn hồi tháng 9 năm ngoái, giá thành một hộp thuốc Tagrisso 30 viên là 51.000 tệ, tương đương tiền điều trị trong một tháng, nay đã giảm xuống 6.200 tệ", Yang Yong, con trai ông chia sẻ. Trong khi đó, lương trung bình của người dân Thượng Hải gần 10.000 tệ - là mức lương cao nhất tại Trung Quốc.
"Chi phí mua thuốc Tagrisso là một gánh nặng lớn với những gia đình thu nhập trung bình, kể cả những gia đình tại Châu Âu, Châu Mỹ. Vì thế, chúng tôi rất cảm động trước nỗ lực này của chính phủ", Yang nói.
Duy trì chi phí thuốc thấp rất quan trọng với các kế hoạch cải thiện lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung. Giai đoạn 2008 – 2017, chi phí y tế công cộng của Trung Quốc tăng gấp bốn lần. Tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12,2%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP thực tế là 8,1%, theo một bài báo trên tờ The Lancet do Winnie và các đồng nghiệp viết.
Theo bà Winnie, nếu muốn duy trì quyền truy cập vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc, các công ty dược phẩm có thể buộc phải đồng ý hạ giá.
Trung Quốc luôn là thị trường hấp dẫn vì dân số đông. Theo một khảo sát gần đây của McKinsey, 7 trong số 10 công ty dược phẩm hàng đầu xếp hạng Trung Quốc trong top 3 thị trường của họ. Một giám đốc điều hành dược phẩm cho hay Trung Quốc đã làm lu mờ thị trường Liên minh châu Âu và Nhật Bản và là một "thị trường quan trọng" không kém Mỹ.
George Lin Cheng, giám đốc điều hành tài chính Hua Medicine, cho biết các nhà sản xuất thuốc đang dần quen với việc đàm phán giảm giá. Công ty riêng của ông đang thử nghiệm một loại thuốc trị tiểu đường tại Trung Quốc, dự định ra mắt trên toàn thế giới vào năm 2021, ông cho biết chìa khóa thành công là có thể đổi mới và sản xuất các loại thuốc tốt nhất.
"Bạn thật sự phải có dữ liệu để làm mình trở nên nổi bật", George nói. "Tiếp đó, cần có khả năng sản xuất thuốc với một chi phí đủ thấp để có thể thu được lợi nhuận với những đợt giảm giá thành".
Từ năm 2016 tới nay, lượng thuốc mới được phê duyệt tăng từ 7 loại đến 54 loại, thời gian trì hoãn giữa các ngày phê duyệt tại thị trường Trung Quốc và nước ngoài đã giảm gấp đôi từ 8,4 năm xuống 4,6 năm.
Một số bệnh viện chỉ kê các đơn thuốc điều trị ung thư đắt tiền cho bệnh nhân khi các phương pháp điều trị khác không thành công, một số bệnh viện khác thì từ chối áp dụng, theo China Youth Daily.Trong khi giá thành thuốc thấp hơn chắc chắn là tin tốt cho các bệnh nhân, việc tiếp cận với các phương pháp điều trị đắt tiền vẫn không đồng đều.
Yang Yong cho biết anh đã phải chuyển bệnh viện cho bố để ông được điều trị bằng thuốc Tagrisso do bệnh viện trước đó không đủ chi phí cung cấp loại thuốc này.
Tình trạng này cũng khiến nhiều bệnh nhân tiếp tục mua thuốc từ những thị trường khác. Ví dụ tại Ấn Độ, thuốc osmertinib có giá thấp hơn 30% so với tại Thượng Hải.
Winnie cũng chỉ ra rằng ngoài chi phí thuốc, hệ thống chăm sóc sức khỏe còn đối mặt với những thách thức lớn hơn, như đảm bảo tiếp cận điều trị công bằng, cung cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn, tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
"Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu rất phức tạp. Tôi không nghĩ bất kỳ một chính sách riêng lẻ nào là đủ. Cá nhân tôi tin rằng một khi Trung Quốc nhận ra những gì cần phải làm, họ có thể làm được. Song, họ cần thời gian", bà Winnie nói.
Lê Hằng (Theo SCMP)
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02