5 loại thuốc uống cùng rượu sẽ gây nguy hiểm
Mặc dù uống rượu vừa phải có lợi cho tim mạch, nhưng một số loại thuốc và rượu có khả năng cản trở việc điều trị thành công. Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã thực hiện một nghiên cứu để xác định tương tác giữa việc sử dụng rượu và thuốc, đã phát hiện ra rằng hơn 70% người trưởng thành ở Mỹ thường xuyên uống rượu và khoảng 42% những người uống rượu cũng sử dụng các loại thuốc có thể tương tác với rượu. Sử dụng cơ sở dữ liệu lớn gồm hơn 1.300 loại thuốc, họ phát hiện ra rằng 45% loại thuốc có khả năng tương tác với rượu.
Đáng báo động nhất là ở những người từ 65 tuổi trở lên, nếu kết hợp rượu với thuốc sẽ thực sự nguy hiểm. Bởi sự lão hóa làm chậm khả năng chuyển hóa nồng độ cồn trong cơ thể, do đó rượu sẽ lưu lại trong cơ thể lâu hơn. Đồng thời, người lớn tuổi cũng có nhiều khả năng phải dùng một hoặc nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ gây tương tác bất lợi.
Rượu có thể làm cho một số loại thuốc hoạt động kém hiệu quả hơn bằng cách can thiệp vào quá trình thuốc được hấp thụ trong đường tiêu hóa. Trong một số trường hợp, rượu lại làm tăng sinh khả dụng của một số loại thuốc, dẫn đến làm tăng nồng độ thuốc trong máu đến mức gây độc cho cơ thể. Do vậy, khi phải uống những loại thuốc dưới đây, bạn tuyệt đối không nên sử dụng rượu:
5 loại thuốc sau thường gặp, với tần suất sử dụng nhiều trong cộng đồng có thể gây nguy hiểm khi dùng cùng với rượu.
Thuốc hạ huyết áp
Những thuốc hạ huyết áp như thuốc chẹn beta, đối kháng calci, ức chế men chuyển khi dùng chung với rượu bia có thể làm tụt huyết áp xuống quá thấp, gây chóng mặt hoặc ngất xỉu, đồng thời cũng có thể gây tăng huyết áp kèm tăng nhịp tim.
Khi uống rượu làm giãn mạch, gây thoát nhiệt ra ngoài. Sự giãn mạch này đưa đến hạ huyết áp. Nếu dùng chung với thuốc làm hạ huyết áp (dù với cơ chế hạ huyết áp như thế nào) thì rượu cũng làm tăng tính hạ huyết áp của thuốc. Việc giảm huyết áp đột ngột rất nguy hiểm.
Rượu và thuốc dễ gây tương tác nguy hiểm.
Thuốc điều trị đái tháo đường type 2
Với những thuốc trị đái tháo đường type 2 như glibenclamid, glipizid, glimepirid, metformin... nếu sử dụng thêm rượu có thể làm tụt đường huyết đột ngột, có khả năng gây hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cứu chữa kịp thời vì rượu có tác dụng hạ đường huyết.
Thuốc kháng sinh
Tương tác giữa rượu và thuốc kháng sinh có thể xảy ra làm giảm hiệu quả của việc điều trị kháng sinh. Mức độ rủi ro khi dùng chung kháng sinh với rượu phụ thuộc vào từng loại kháng sinh cụ thể.
Các thuốc kháng sinh như: metronidazol, tinidazol, cephamandol, latamoxef, cefoperazon, cefmenoxim và furazolidon khi dùng chung với rượu sẽ gây ra tình trạng buồn nôn, nôn mửa và khó thở. Vì vậy, người bệnh không được uống rượu trong thời gian uống kháng sinh.
Thuốc giảm đau paracetamol
Bản thân paracetamol (acetaminophen) có thể gây độc cho gan, được gọi là nhiễm độc gan do paracetamol. Độc tính này là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp tính.
Tổn thương gan do cách cơ thể phân hủy paracetamol. Khi một người dùng paracetamol, các men gan sẽ phân hủy phần lớn thuốc. Sau đó, cơ thể bài tiết thuốc qua nước tiểu, qua thận hoặc mật. Khoảng 5% của paracetamol sẽ chuyển hóa thành một độc tố gọi là NAPQI. Gan sản xuất một chất chống oxy hóa gọi là glutathione để loại bỏ độc tố này. Nhưng khi cơ thể nhận được nhiều hơn liều lượng paracetamol được khuyến cáo, gan sẽ bị quá tải với nhiều độc tố NAPQI hơn mức có thể phân hủy, đó là lý do tại sao quá liều paracetamol rất nguy hiểm. Và rượu cũng bao gồm các chất độc mà gan phải phân hủy, vì vậy khi kết hợp rượu với paracetamol sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Thuốc cảm cúm và cảm lạnh
Hầu hết các loại thuốc chữa cảm cúm và cảm lạnh có chứa pseudoephdrine hay các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi khác nhau. Về bản chất, những loại thuốc này có thể khiến người uống buồn ngủ và chóng mặt. Nếu kết hợp chúng với rượu, có thể làm cho tình trạng buồn ngủ và chóng mặt trở nên trầm trọng hơn, đồng thời tăng nguy cơ dùng quá liều.
DS. Vũ Thùy Dương
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02