Vắc-xin thay thế Quinvaxem: An toàn tuyệt đối?
Vắc-xin "5 trong 1" ComBE Five vừa đưa vào tiêm chủng cho trẻ đã ghi nhận nhiều trường hợp phản ứng, thậm chí có tin đồn về 2 trẻ tử vong do vắc-xin này. Tuy nhiên, ngành y tế khẳng định đây là phản ứng thông thường
Giữa tuần qua, các trạm y tế ở Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin "5 trong 1" ComBE Five (ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib) thay thế cho vắc-xin Quinvaxem sau nhiều ngày cạn vắc-xin.
Nhiều trẻ phản ứng sau tiêm
Theo PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện các quận, huyện của TP Hà Nội đã triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five cho gần 5.000 trẻ. Trong số này đã ghi nhận hơn 60 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm như: sốt, sưng, đau, nóng đỏ tại chỗ tiêm; chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng.
Riêng tại huyện Ứng Hòa, có 21 trẻ trong tổng số 497 trẻ được tiêm vắc-xin này xuất hiện phản ứng sau tiêm chủng, chiếm tỉ lệ 4,22%. 10 trẻ được chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình. Hiện sức khỏe các bệnh nhi đã ổn định.
Tiêm vắc-xin ComBE Five cho trẻ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Ảnh: Ngô Hương
Còn tại tỉnh Bình Định, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, xác nhận trong đợt tiêm chủng vắc-xin ComBE Five vào các ngày cuối tháng 12-2018, gần 30 trẻ đã nhập viện do phản ứng sau tiêm chủng. Hầu hết các trẻ vào viện với tình trạng sốt cao, trong đó có 5 trường hợp nặng với biểu hiện tím tái, khó thở. Hiện tất cả các trường hợp này sức khỏe đã ổn định.
Đáng chú ý, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng 2 trẻ tử vong tại Nam Định do tiêm vắc-xin này. Hai trẻ đều được khám sàng lọc và tiêm vắc-xin ComBE Five, uống vắc-xin bại liệt tại trạm y tế. Sau tiêm, bé được theo dõi 30 phút tại trạm và không có biểu hiện bất thường.
Về nhà, khoảng 1-2 ngày sau, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt, không đưa đến cơ sở y tế. Hôm sau, trẻ tím tái, khó thở, được gia đình đưa đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên, khi tới bệnh viện, 2 cháu đã tử vong.
Trước những lo ngại của các bậc cha mẹ, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, xác nhận đường dây nóng về tiêm chủng đã nhận được nhiều câu hỏi về vắc-xin ComBE Five, nhất là sau khi 2 trẻ ở Nam Định tử vong. Tuy nhiên, "kết quả điều tra và đánh giá nguyên nhân của hội đồng chuyên môn đã kết luận 2 trường hợp nói trên không liên quan đến thực hành tiêm chủng" - PGS Hồng khẳng định.
Đến thời điểm này, đã có hơn 91.000 trẻ đã tiêm vắc-xin ComBE Five ở 15 tỉnh thành. Ngành y tế đã đưa vắc-xin này vào hệ thống tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc từ tháng 12-2018 và trong tháng 1-2019, sẽ sử dụng trên toàn quốc. Theo báo cáo từ các địa phương, ngoài các phản ứng thông thường như: sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm, những triệu chứng khác như: khó chịu, quấy khóc là 5,5%; số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỉ lệ 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối
TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng quốc gia, cho biết các phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five cũng tương tự vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào, đó là trẻ quấy khóc, sốt nhẹ (trên 38°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… và sẽ hết sau 1-2 ngày.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ này chiếm tới 50% và phản ứng này cho thấy cơ thể có đáp ứng với vắc-xin. Ngoài ra, một số phản ứng hiếm gặp như: khóc dai dẳng, co giật, giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng, phản vệ có thể xảy ra với tỉ lệ 20/1 triệu liều.
"ComBE Five đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO nghĩa là các phản ứng nặng sau tiêm phải báo cáo để WHO xem xét nguyên nhân. WHO không cấp phép lưu hành một lần mà dựa trên báo cáo thực hiện hằng năm, nếu vắc-xin đạt yêu cầu về an toàn mới được lưu hành tiếp" - TS Huyền chia sẻ.
Về việc hàng chục trẻ phản ứng sau tiêm vắc-xin phải nhập viện ở Bình Định, PGS Hồng khẳng định về nguyên tắc báo cáo giám sát phản ứng sau tiêm, một trẻ sau tiêm chủng có quay lại nơi tiêm, dù sốt 37,5 độ C cũng đều ghi nhận để theo dõi.
Tại Bình Định, có đến vài chục cháu có phản ứng sốt sau tiêm, trong đó có những trẻ chưa đến 38 độ C nhưng hệ thống vẫn ghi nhận là phản ứng sau tiêm vì các cháu được đưa lại tái khám.
Điều này cho thấy các bậc cha mẹ đã thận trọng quan sát các phản ứng của trẻ sau tiêm. Bà Hồng khuyến khích các bậc cha mẹ chỉ cần cảm thấy trẻ xuất hiện dấu hiệu khiến họ không yên tâm, thậm chí trẻ có vài nốt phát ban là có thể đưa con đi khám. Còn trong tình huống xuất hiện các phản ứng nặng như khó thở hay trẻ có một chút tím tái, đi tiêm về bú ít, khóc thét, sốt cao co giật, li bì, giảm trương lực cơ... nên đưa trẻ tới ngay trạm y tế gần nhất.
"Chúng tôi mong các bậc cha mẹ cùng cán bộ y tế theo dõi các cháu bé tiêm vắc-xin đầy đủ, cẩn thận sau 1-2 ngày tiêm chủng. Không chủ quan để trẻ ở nhà quá lâu khi con có dấu hiệu lạ, không được tự điều trị, đặc biệt những trẻ có bệnh lý nền" - PGS Hồng lưu ý.
Theo PGS Dương Thị Hồng, không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối vì vắc-xin cũng như thuốc, thực phẩm có thể gây phản ứng dị ứng trên những cơ địa nhất định. Tuy nhiên, đến nay, vắc-xin là công cụ hữu hiệu nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm. Năm 2013, sau khi có những lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng, trên toàn quốc đã tạm dừng tiêm vắc-xin Quinvaxem 5 tháng để đánh giá phản ứng sau tiêm. Hậu quả là năm 2014, số trẻ mắc ho gà tăng mạnh. Ngoài ra, do người dân lo ngại tiêm chủng nên dịch sởi cũng bùng phát trong năm 2014, làm trên 140 trẻ tử vong.
Sắp tới, ngành y tế sẽ bổ sung 1 vắc-xin 5 trong 1 mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vắc-xin mới này của Ấn Độ, sẽ được tiêm đồng thời với vắc-xin ComBE Five.
Đến thời điểm này, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiếp nhận 3 lô vắc-xin ComBE Five với tổng số 840.000 liều. Vắc-xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành từ năm 2010. Loại vắc-xin này đã được sử dụng tại 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều. Ấn Độ đang sử dụng ComBE Five và cũng ghi nhận tỉ lệ phản ứng sau tiêm tương tự Việt Nam. |
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48