Thuốc trị viêm họng, không thể dùng tùy tiện
Thay đổi thời tiết hoặc trời lạnh khiến nhiều người bị viêm họng. Không ít người khi bị viêm họng cấp đã tự ý mua thuốc kháng sinh về dùng. Nhiều trường hợp tự ý dùng thuốc mà không khỏi bệnh, đến khi bệnh nặng đi khám, việc chữa trị trở nên phức tạp và tốn kém hơn. Vì thế khi bị viêm họng, người bệnh không được tùy tiện trong dùng thuốc...
Có thể nói, thời tiết lạnh không phải là nguyên nhân gây bệnh mà là yếu tố thuận lợi để mắc bệnh. Khi thời tiết lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết... làm cho sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, là cơ hội để virus, vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến viêm họng cấp. Đây là bệnh nhiễm trùng phổ biến gây đau cổ họng. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau 1 tuần mà không để lại tổn thương, di chứng về sau. Nếu viêm họng, đau họng làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày cần đi khám để được dùng đúng loại thuốc theo tình trạng bệnh.
Dùng thuốc như thế nào?
Nguyên nhân gây viêm họng thường là do virus và vi khuẩn (thường là streptococcus pyogenes và streptococcus nhóm A) hoặc do dị ứng, ô nhiễm không khí, chất kích thích, trào ngược dạ dày-thực quản... Tùy theo nguyên nhân bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp.
Thuốc giảm đau
Đau họng do virus thường không cần điều trị. Tình trạng bệnh sẽ cải thiện trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, do khó chịu, nên đôi khi cần tới sự trợ giúp của thuốc giảm đau. Thuốc thường dùng như: paracetamol hay ibuprofen... đặc biệt khi đau họng có kèm theo sốt và ở trẻ em.
Cần lưu ý, trước khi dùng thuốc luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng đúng liều và đúng cách, tránh được các “chống chỉ định” (không được dùng) của thuốc.
Không tùy tiện dùng kháng sinh khi bị viêm họng.
Các loại thuốc xịt, ngậm
Thuốc xịt họng như lidocain và các loại thuốc gây tê khác được phun vào họng đã được tìm thấy để có tác dụng giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, các loại viên ngậm có chứa chất gây tê hoặc các loại thuốc gây tê khác có thể giúp làm dịu cơn đau họng.
Thuốc kháng sinh
Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn dùng kháng sinh. Một số kháng sinh thường dùng như: amoxicillin, penicillin... hoặc azithromycin, clarithromycin, các thuốc nhóm cephalosporin. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chọn thuốc, liều lượng và đường dùng (uống hay tiêm) phù hợp. Trong hầu hết các trường hợp chỉ cần dùng đường uống (đây là đường dùng thông dụng và thuận tiện).
Người bệnh cần dùng đủ thời gian quy định mặc dù các triệu chứng của viêm họng đã được cải thiện. Tránh tình trạng thấy bệnh đỡ thì bỏ thuốc... làm cho bệnh chưa khỏi dứt điểm, vi khuẩn chưa được loại trừ hoàn toàn, sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại. Người bệnh dễ bị kháng thuốc cho những lần bệnh sau...
Một số cách không dùng thuốc
Nước muối súc miệng: Súc miệng bằng nước muối ấm là một phương thuốc tự nhiên để giảm đau họng. Muối giúp giảm sưng bằng cách kéo nước ra khỏi mô họng và sát khuẩn. Trong thời gian bị viêm họng có thể súc mỗi giờ 1 lần, mỗi lần súc miệng họng trong 30 giây.
Mật ong: Mật ong thường được sử dụng kết hợp với các thành phần tự nhiên khác để làm dịu cơn đau họng. Mật ong có tác dụng giảm đau và chống lại nhiễm trùng và đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với nước ấm và giấm táo hoặc thảo mộc. Tuy nhiên, không nên dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Nước chanh: Nước chanh là một loại đồ uống giải khát cũng có thể làm giảm cơn đau họng xảy ra khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Chanh chứa vitamin C và chất chống ôxy hóa; làm tăng sản xuất nước bọt và có thể giúp giữ cho màng nhầy luôn ẩm. Kết hợp chanh với nước ấm và một chút mật ong hoặc nước muối có thể là cách tốt nhất để tối đa hóa lợi ích của nó.
Trà gừng: Gừng là một loại gia vị có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm có thể giúp giảm đau họng. Trà gừng có thể mua tại các hiệu thuốc hoặc có thể tự làm bằng cách: Lấy gừng tươi hãm với nước sôi, có thể thêm mật ong hoặc chanh để uống.
DS. Nguyễn Thu Giang
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-viem-hong-khong-the-dung-tuy-tien-n183742.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48