Thuốc trị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm: Dùng sai hại thân
Rất nhiều người khi bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm đã vội vàng mua thuốc cầm tiêu chảy về uống. Điều này sẽ không có lợi mà còn làm cho tình trạng trở nên trầm trọng, phức tạp hơn. Vậy dùng thuốc thế nào cho đúng?
Bù nước và chất điện giải
Do tiêu chảy cấp gây mất nước và chất điện giải, cho nên trong điều trị (đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi), vấn đề hàng đầu được đặt ra là bù nước và chất điện giải. Có thể dùng oresol, pha với tỷ lệ theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì của sản phẩm. Lưu ý trong quá tình pha không được ước lượng, vì dung dịch đậm đặc hay loãng quá đều không có lợi cho người dùng.
Trong nhiều trường hợp tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm chỉ cần bù nước và chất điện giải là đã cầm được đi lỏng và có thể khỏi.
Trong trường hợp mất nước nặng, bệnh nhân cần được cấp cứu truyền dịch (việc truyền dịch phải được thực hiện tại cơ sở y tế do các thày thuốc trực tiếp chỉ định).
Cách tạo dung dịch bù nước tại nhà.
Dùng thuốc như thế nào?
Tiêu chảy trong ngộ độc thực phẩm là một phản ứng có lợi của cơ thể để tống chất độc ra ngoài, vì vậy việc dùng ngay thuốc cầm tiêu chảy khi có dấu hiệu tiêu chảy là không có lợi.
Tuy nhiên, tác dụng của phản ứng bảo vệ này chỉ có lợi ở thời điểm đầu. Khi tiêu chảy không khu trú, kéo dài cần dùng đến thuốc cầm tiêu chảy như:
Loperamid: Đây là thuốc có sẵn và dễ mua ở các nhà thuốc, có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân và giảm số lần đi ngoài. Loperamid sử dụng trong điều trị ngộ độc thực phẩm chỉ là một thuốc điều trị triệu chứng mà không làm hết căn nguyên gây bệnh. Ngừng thuốc nếu không thấy có kết quả trong vòng 48 giờ. Cần theo dõi nhu động ruột và lượng phân, nhiệt độ cơ thể và theo dõi trướng bụng.
Cần lưu ý, đối với những người bị hội chứng lỵ, bụng trướng, mẫn cảm với loperamid, hoặc khi cần tránh ức chế nhu động ruột, có tổn thương gan, viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng màng giả (có thể gây đại tràng to nhiễm độc) không được sử dụng thuốc này.
Hầu hết các tác dụng phụ thường gặp là phản ứng ở đường tiêu hóa khi dùng thuốc này. Thường gặp như táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn, trướng bụng, khô miệng; hoặc mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu. Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như ngủ gật, trầm cảm, hôn mê, thường hay gặp với trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Vì vậy loperamid không được dùng trong điều trị tiêu chảy cho trẻ nhỏ.
Nhóm hấp phụ (attapulgite,than hoạt): Các chất hấp phụ là chất trơ về mặt hóa học và có cấu trúc đặc biệt có khả năng hút giữ vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, siêu vi, khí sinh ra trong ống tiêu hóa là những thứ làm kích thích niêm mạc và sau đó được thải ra ngoài kéo theo các chất mà nó hút giữ. Chất hấp phụ không hòa tan và không hấp thụ nên dùng tương đối an toàn… nên thích hợp điều trị tiêu chảy có kèm trướng bụng và do đường tiêu hóa bị nhiễm độc (ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn).
Attapulgite có tác dụng bao phủ mạnh, bảo vệ niêm mạc ruột bằng cách trải thành một màng đồng đều trên khắp bề mặt niêm mạc. Atapulgit được giả định là hấp phụ nhiều vi khuẩn, độc tố và làm giảm mất nước. Mặc dù atapulgit có thể làm thay đổi độ đặc và vẻ ngoài của phân, nhưng không có bằng chứng xác thực là thuốc này ngăn chặn được sự mất nước và điện giải trong tiêu chảy cấp. Không dùng thuốc này trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em. Không dùng thuốc quá 2 ngày, hoặc khi tiêu chảy kèm sốt, tiêu chảy phân có máu và chất nhầy, sốt cao. Nếu sau khi sử dụng quá 2 ngày vẫn tiêu chảy, cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi trừ trường hợp có sự theo dõi của bác sĩ, vì nguy cơ mất nước do tiêu chảy.
Đối với than hoạt giúp hấp thụ vi khuẩn, độc tố vi khuẩn để loại ra ngoài khi bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Đặc biệt, than hoạt giúp làm đặc phân, cải thiện tình trạng tiêu lỏng ra nước. Để trị tiêu chảy, than hoạt thường được phối hợp với dược chất khác, thí dụ như thuốc sát khuẩn đường ruột để điều trị tiêu chảy cấp do nhiễm độc khuẩn thức ăn là loại ngộ độc thực phẩm hay xảy ra ở nước ta.
Khi sử dụng thuốc là chất hấp phụ cần lưu ý, chỉ sử dụng thuốc này trước hoặc sau khi uống các loại thuốc điều trị khác cần sự hấp thu vào máu ít nhất 2 giờ, bởi vì chất hấp phụ không được hấp thu sẽ cản trở sự hấp thu của thuốc uống cùng với nó.
Chỉ dùng các loại thuốc đặc hiệu khi đã xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy. Ví dụ, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn (thường gặp như Salmonella hay E.coli gây ra) sẽ dùng kháng sinh, nhiễm ký sinh trùng dùng thuốc trị ký sinh trùng (như bị lỵ amip dùng metronidazol.)... Muốn sử dụng các thuốc đặc hiệu này phải có sự chẩn đoán của bác sĩ và việc dùng thuốc phải tuân theo sự chỉ định, chứ người bệnh không thể tự ý hay tùy tiện dùng.
DS. Hoàng Thủy
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-tieu-chay-do-ngo-doc-thuc-pham-dung-sai-hai-than-n184693.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48