Xương bồ - Thuốc khai khiếu, hòa vị
Xương bồ là tên chung của hai vị thuốc: thạch xương bồ và thủy xương bồ. Thạch xương bồ là thân rễ phơi khô của cây thạch xương bồ (Acorus gramineus Soland.), thuộc họ Ráy (Araceae).
Thủy xương bồ là rễ khô của cây thủy xương bồ (Acori calamus L.), công dụng như thạch xương bồ. Thủy xương bồ có nhiều tinh dầu hơn.
Xương bồ chứa tinh dầu (õ-asaron, asaron, caryophyllene, ahumulene, sekishone), một ít hợp chất phenol và chất béo. Theo Đông y, xương bồ vị cay, tính ôn; vào kinh tâm và can. Có tác dụng khai khiếu, tỉnh thần, hóa thấp, hòa vị, sát trùng. Chữa thần khí hôn mê, hoảng loạn do đờm trọc bế tắc, phong hàn tê thấp, lỵ cấm khẩu. Liều dùng: 2-8g.
Lưu ý: Trong xương bồ chứa chất có tác dụng chống co thắt, tăng tiết dịch, chống nhiễm khuẩn, nhưng dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc, viêm gan, ức chế miễn dịch ..., nên đơn thuốc có xương bồ không được uống dài ngày, sau khi bệnh thuyên giảm thì bỏ vị xương bồ hoặc thay đơn thuốc khác
Một số cách dùng xương bồ làm thuốc:
Khai khiếu tỉnh thần: trị các chứng thấp trọc phủ lấp các khiếu sinh ra hôn mê bất tỉnh, kéo nhiều đờm dãi, tắc khó thở.
Bài 1: thạch xương bồ tươi 4g, uất kim 6g, cúc hoa 6g, lá tre 12g, liên kiều 12g, ngưu bàng tử 12g, trúc lịch 12g, chi tử sao 8g, đan bì 8g, hoạt thạch 16g, nước ép gừng tươi 12g. Sắc uống. Uống với tử kim đĩnh (2g). Trị đờm bẩn lấp phủ khiếu của tâm sinh mất trí nói mê.
Bài 2: xương bồ 8g, hoàng cầm 8g, lá tía tô 8g, hậu phác 8g, hoàng liên 4g, rễ sậy 20g, bán hạ chế 12g, tỳ bà diệp 12g, trúc nhự 12g. Sắc uống. Trị đờm bẩn tắc, mất trí, bất tỉnh.
Bài 3: xương bồ 8g, đảng sâm 8g, đởm nam tinh 10g, trúc nhự 4g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả. Sắc uống. Tác dụng ích khí trừ đàm khai khiếu, hóa trọc. Chữa trúng phong, đàm mê tâm khiếu, cứng lưỡi khó nói.
Bài 4: Tiểu nhi hồi xuân đan: xương bồ 8g, ngưu hoàng 2g, thiên trúc hoàng 8g, thanh mông thạch 8g, bán hạ 8g, đởm tinh 8g, bối mẫu 8g, hồ hoàng liên 8g, chu sa 8g, câu đằng 12g, bạc hà 10g, trân châu phấn 4g, xạ hương 0,2g. Tán bột làm viên. Mỗi lần dùng 2 - 4g. Thanh nhiệt hóa đàm, an thần khai khiếu. Chữa trẻ nhỏ cấp kinh phong, đàm nhiệt che phủ, mê man sốt, phiền táo khí suyễn.
Hành khí, giảm đau:
Bài 1: thạch xương bồ 8g, hương phụ 16g, thanh mộc hương 8g. Sắc uống. Dùng cho các chứng cảm lạnh, đầy hơi, bụng trướng đau.
Bài 2: thạch xương bồ 8g, hương phụ 8g, trần bì 6g, thảo đậu khấu 6g. Sắc uống. Dùng cho người trướng bụng, buồn bực, không thiết ăn uống.
Khai vị, giúp tiêu hóa: Dùng cho chứng bệnh thấp trọc bí trong dạ dày sinh cấm.
Bài 1: Cháo xương bồ: xương bồ 10g (nghiền bột), gạo lức 80 - 100g, đường phèn vừa đủ. Nấu cháo, thêm đường phèn vừa ăn, rắc bột xương bồ, khuấy đều cho ăn nóng. Chữa thấp trọc ứ trệ ở trung tiêu gây buồn bực đầy trướng, không thiết ăn uống.
Bài 2: Thuốc bột trị cấm khẩu: thạch xương bồ 8g, nhân sâm 2g, hoàng liên 6g, hạt sen 12g, cuống lá sen 12g, phục linh 12g, trần bì 12g, gạo lâu năm 12g, đan sâm 16g, nhân hạt bí đao 20g. Sắc uống. Trị lỵ cấm khẩu, không ăn được.
Kiêng kỵ: Người huyết hư, hoạt tinh, ra mồ hôi nhiều cấm uống.
TS. Nguyễn Đức Quang
Tin nổi bật
- Gừng có thể làm tăng tác dụng của thuốc tim mạch, huyết áp
25/10/2022 - 09:27:21
- 11 bài thuốc từ cây tía tô chữa bệnh thường gặp
21/10/2022 - 09:24:50
- Đương quy bổ máu, những trường hợp nào không nên dùng?
14/10/2022 - 10:53:10
- 12 loại thực phẩm, đồ uống tăng cường miễn dịch chống lại cảm lạnh
06/10/2022 - 10:13:16
- 9 cách tự nhiên ngăn ngừa cơn đau dạ dày
26/09/2022 - 10:28:12
- Không để lãng phí nguồn dược liệu quý hiếm vùng Tây Nguyên
26/09/2022 - 10:23:59