TP. HCM: Chỉ số bụi không khí vượt quá mức quy chuẩn nhiều lần
Theo số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường, các chỉ số bụi, CO, NO2, tiếng ồn,… ở TPHCM trong nhiều năm qua luôn ở vượt quy chuẩn gấp nhiều lần, tác động xấu đến sức khỏe người dân.
Ảnh minh họa
Theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường là 100 μg/m3; tuy nhiên, chỉ số bụi ghi nhận ở trạm An Sương luôn vượt mức cho phép 5-8 lần. Cá biệt, trạm Cát Lái vượt mức cho phép hơn 9 lần, khiến người đi đường như muốn nín thở mỗi khi đi qua vòng xoay Mỹ Thủy.
Đại diện Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường lý giải chỉ số bụi ở các giao lộ trên luôn ở mức cao là do có nhiều xe cộ qua lại.
Không chỉ bụi vượt mức cho phép mà tại nhiều giao lộ, chỉ số khí NO2 cũng vượt quy chuẩn nhiều lần các động cơ của phương tiện. Ngoài chỉ số bụi và khí NO2, tiếng ồn từ động cơ, còi xe tại các giao lộ cũng vượt mức cho phép khiến người dân đứng trước nhiều nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, suy tim, xơ vữa động mạch…
Ngoài số liệu quan trắc từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vốn được công bố hàng năm, thời gian gần đây, nhiều người tìm đến ứng dụng AirVisual để theo dõi các chỉ số về chất lượng không khí (AQI). Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí được chia thành 5 mức kèm theo cảnh báo khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tại Hội thảo về Biến đổi khí hậu và Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/4 ở trường Đại học Y dược TP.HCM, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, TP hiện có 3 nguồn phát thải lớn làm ô nhiễm không khí.
Tuy không phải là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi, nhưng khói bụi có nguy cơ tác động xấu đến hệ hô hấp. Cụ thể, những hạt có đường kính bé hơn 2,5micrometer có thể thâm nhập sâu vào phổi, máu và các cơ quan gây các bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm nặng thêm tình trạng suy tim, xơ vữa mạch, dễ bùng phát các cơn suyễn… nguy cơ lớn hơn ở người trẻ do thời gian tiếp xúc kéo dài.
Thứ nhất là nguồn thải từ dân sinh: bao gồm việc các gia đình nấu ăn, các quán ăn nhà hàng dùng năng lượng hóa thạch nấu nướng. Thứ hai là nguồn thải từ các phương tiện giao thông, theo PGS.TS Bằng, TP có khoảng 8 triệu xe các loại, bến cảng, đường sắt… tất cả đều là các nguồn thải làm TP.HCM thêm ô nhiễm. Thứ ba là do hoạt động công nghiệp, theo đó, TP.HCM có 2.708 nhà máy có ống khói sinh ra khí thải và thải ra môi trường.
Đặc biệt những ngày nắng nóng, oi bức hiện nay khiến nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên, khói bụi tù đọng, hoặc không khí ô nhiễm từ nơi khác bay tới. Khi nồng độ bụi mịn tăng thì không khí có vẻ mờ và giảm tầm nhìn như sương mù.
Sau gần 2 năm thực hiện nghiên cứu về vấn đề các nguồn thải gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM, PGS. TS Bằng cho biết, có thể kết luận 50% ô nhiễm không khí ở TP.HCM đến từ các hoạt động giao thông, 30% đến từ hoạt động nấu ăn của hộ gia đình và 20% đến từ công nghiệp.
PGS.TS Bằng chia sẻ: “TP.HCM bị ô nhiễm vượt quy chuẩn gấp 3 lần, vậy phải cắt giảm 60-70% lượng khí thải bây giờ may ra môi trường mới đạt quy chuẩn. Ví dụ giờ người dân TP có đi bộ hết hoàn toàn thì chúng ta chỉ giảm được gần 50% nguồn khí thải, chưa giải quyết được ô nhiễm, bụi ở TP.HCM. Cả giao thông và công nghiệp, cắt hết thì cũng không làm hết được ô nhiễm. Cũng cần nói thêm rằng các hoạt động xây dựng cũng làm bụi trong không khí gia tăng”.
Cũng tại hội nghị trên, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2016, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây ra hơn 60.000 ca tử vong liên quan đến các bệnh tim mạch, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi. Tuy nhiên mạng lưới nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí đến sức khỏe tại Việt Nam vẫn chưa được liên kết với nhau chặt chẽ và các bằng chứng khoa học về chủ đề này vẫn chưa được cập nhật nhanh chóng.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí là những vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng đến nhiều mặt cuộc sống và đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người.
Nhiều bằng chứng cho thấy, biến đổi khí hậu dẫn đến gia tăng bệnh truyền nhiễm, làm trầm trọng hoặc tăng tử vong các bệnh mãn tính. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về hô hấp và đặc biệt ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ em…
Ngoài ra, nếu một người bị rát cổ, đau họng, ho khan, thở gấp kéo dài thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Ngọc Ánh (t/h)
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25