Cho phổi ngừng hoạt động 80 phút để 'bóc' khối u khủng
Trong quá trình phẫu thuật bóc tách khối u khủng, các bác sĩ đã ngừng hoạt động phổi của bệnh nhân trong 80 phút, thay thế vào đó là máy tim phổi nhân tạo. Trong lúc đó bệnh nhân H. hoàn toàn không phải ngừng tim.
Kíp phẫu thuật cắt khối u trung thất phức tạp có sử dụng máy tim phổi nhân tạo
Bệnh nhân Nguyễn T.H, 61 tuổi, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội được chẩn đoán có một khối u ở trung thất, trên nền bệnh nhân bị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim chậm, có lúc chỉ đo được 49 lần/phút. Cách đây 2 tháng, bệnh nhân H. có dấu hiệu đau ngực nhẹ, ho nhiều, khạc đờm trắng, khó thở, gầy sút cân, đi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có một khối u ở trung thất, kích thước 70x82mm. Bệnh nhân được nhập viện điều trị. Từ người chỉ có 42kg, sau hơn 1 tháng nằm viện, bệnh nhân H đã lên được 8kg, với thể trọng là 50kg, tuy nhiên tình trạng bệnh không có nhiều tiến triển.
BSCKII Nguyễn Thành Long, BV Phổi Trung ương thông tin, đây là ca bệnh phức tạp, nhất là vị trí khối u nằm rất “hiểm”, ngay trạc ba khí phế quản (ngã ba giữa đường khí quản với chỗ chia nhánh vào phế quản phải và trái), dính sát màng tim phải và nhĩ trái, tổn thương chèn ép nhiều nhĩ trái, đè đẩy các thành phần trung thất và mạch máu phổi ra xung quanh. Khối u này còn đặc biệt ở chỗ ngoài nằm ở vị trí trạc ba khí phế quản nó còn bị “kẹp” giữa khí quản và thực quản. Xung quanh khối u là rất nhiều mạch máu lớn, đây là một thử thách rất lớn đối với các bác sĩ phẫu thuật.
Theo bác sĩ, không giống các khối u trung thất thường gặp, bệnh nhân hoặc có khối u bên phải hoặc bên trái, phẫu thuật viên chỉ cần mở ngực trái, hoặc ngực phải để bóc khối u. Nhưng ở trường hợp này, khối u nằm ở chính giữa hơi lệch phải, nên các bác sĩ bắt buộc phải mở xương ức để tiếp cận bộc lộ khối u.
Bệnh nhân H đang hồi phục sức khoẻ tốt sau ca đại phẫu
Vì bệnh nhân mắc cùng lúc nhiều bệnh, các bác sĩ đã hội chẩn nhiều chuyên ngành và các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương quyết tâm phẫu thuật, bóc tách khối u cho bệnh nhân. Vì khối u ở vị trí khó, xung quanh khối u có nhiều mạch máu lớn, ở chỗ tiếp giáp đường khí phế quản, và để đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh nhân các bác sĩ quyết định sử dụng máy tim phổi nhân tạo.
TS Lượng cho rằng, nếu không có máy tim phổi nhân tạo, trong quá trình bóc tách khối u, có nguy cơ ảnh hưởng tới đường khí phế quản, bệnh nhân sẽ bị thông khí ra ngoài, có khả năng chết trên bàn phẫu thuật hay bị rách nhĩ trái hoặc tác động tới mạch máu ….. có thể khiến bệnh nhân nguy kịch. Để phòng các trường hợp đó, máy tim phổi nhân tạo sẽ hô hấp và tuần hoàn thay cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật.
Chỉ trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, 3 êkíp gồm kíp 6 bác sĩ phẫu thuật, kíp bác sĩ gây mê, và kíp bác sĩ chạy máy tim phổi nhân tạo đã phối hợp phẫu thuật thành công cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã ngừng hoạt động phổi của bệnh nhân trong 80 phút, thay thế vào đó là sử dụng máy tim phổi nhân tạo. Trong lúc đó bệnh nhân H. hoàn toàn không phải ngừng tim.
Hoà Thuận
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25